Đầu tư phát triển lĩnh vực công nghệp chế biến thức ăn chăn nuôi
Ngày 3/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn, với mục tiêu sản lượng năm 2030 đạt 50.000 - 55.000 tấn/năm, đáp ứng từ 40 - 50% nhu cầu thức ăn chăn nuôi của tỉnh.
Theo nội dung đề án, công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi cần đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm, giảm tỷ trọng nguyên liệu nhập khẩu chế biến, góp phần bình ổn, đáp ứng nhu cầu thức ăn phát triển chăn nuôi của tỉnh Kiên Giang, từng bước hướng đến xuất sản phẩm ra ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh, tăng năng suất trên cùng đơn vị diện tích các loại cây trồng làm nguyên liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng.
Tỉnh Kiên Giang sẽ hình thành 1 - 2 nhà máy sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm kết hợp thức ăn cho thủy sản tại một trong các khu và cụm công nghiệp, cụm nhà máy chế biến nông - thủy sản của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang cũng đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong chế biến các loại phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp, chế biến thực phẩm… làm thức ăn chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, tỉnh đang phát huy tối đa lợi thế về nguồn nguyên liệu tại địa phương, mở rộng một phần diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả chuyển sang trồng cây cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, theo hướng công nghiệp hóa đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và hạn chế việc nhập khẩu.
Mặt khác, tỉnh rà soát cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng chuỗi giá trị gắn với vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của trung ương, của tỉnh, huy động vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Hơn nữa, tỉnh Kiên Giang nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trong đó, ưu tiên cho việc xây dựng chính sách khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Cùng với đó, tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp có đủ nguồn lực, kinh nghiệm và khoa học công nghệ đầu tư nhà máy chế biến, bảo quản nguyên liệu, sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tại vùng nguyên liệu tập trung.
Đồng thời, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực và điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; ưu tiên thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất thức ăn chăn nuôi và phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Xây dựng cụm công nghiệp chế biến nông thủy sản
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết thêm, tỉnh ưu tiên các dự án phát triển vùng sản xuất nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi; xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại các khu và cụm công nghiệp, cụm nhà máy chế biến nông thủy sản của tỉnh, nhất là tại khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành) và Thuận Yên (Hà Tiên).
Tỉnh Kiên Giang huy động đa dạng nguồn vốn và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030.
Trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước hàng năm đầu tư phát triển, cơ sở hạ tầng; kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án, dự án đầu tư công giai đoạn 2025 - 2030; vận động, huy động từ các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định pháp luật.
Theo đó, tỉnh Kiên Giang ưu tiên 3 dự án gồm: Phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, tận dụng tối đa và nâng cao giá trị sử dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi góp phần giảm tỷ trọng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; phát triển vùng sản xuất nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, chủ động được một phần nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trong tỉnh;
Xây dựng 1 - 2 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại các khu và cụm công nghiệp của tỉnh, công suất 50.000 - 55.000 tấn/năm, tận dụng các sản phẩm phụ trong nông, công nghiệp, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi trong tỉnh.
Định hướng đến năm 2030, mức tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của tỉnh Kiên Giang bình quân giai đoạn 2026 - 2030 đạt từ 8 - 8,5%/năm; đàn heo 917.000 con, đần trâu 6.000 con, đàn bò 18.000 con và đàn gia cầm 10,75 triệu con; sản phẩm thịt hơi các loại 255.000 tấn; xây dựng được ít nhất 15 cơ sở chăn nuôi và 2 vùng chăn nuôi tập trung an toàn dịch bệnh.