Kiên Giang: Sụt lún, sạt lở gây thiệt hại hơn 60 tỷ đồng

Kiên Giang: Sụt lún, sạt lở gây thiệt hại hơn 60 tỷ đồng

Nguyễn Thanh Xuân

Nguyễn Thanh Xuân

Thứ 4, 03/04/2024 16:30

Tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài, trên địa bàn huyện U Minh Thượng ghi nhận 215 điểm sụt lún, sạt lở gây thiệt hại hơn 60 tỷ đồng.

Ngày 3/4, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) - ông Dương Quốc Khởi cho biết, thống kê ban đầu, tình trạng sụt lún, sạt lở đất trên địa bàn huyện đã gây tổng thiệt hại hơn 60 tỷ đồng về đường giao thông, cầu bê tông nông thôn, nhà ở của người dân…

Nhiều điểm sụt lún, sạt lở gây thiệt hại lớn

Đến nay, toàn huyện U Minh Thượng ghi nhận 215 điểm sụt lún, sạt lở với tổng chiều dài 6.567m, gồm hơn 5.000m sạt lở và trên 1.560m rạn nứt, nguy cơ sạt lở cao.

Trong đó, đường Tỉnh 965 (đê bao ngoài) có 28 điểm, tổng chiều dài 645m và đường giao thông nông thôn có 187 điểm, tổng chiều dài 5.922m, tập trung trên địa bàn xã An Minh Bắc và Minh Thuận.

Ngoài ra, nhà ở của dân đã thiệt hại 13 căn, trong đó, xã An Minh Bắc 9 căn và xã Minh Thuận 4 căn, ước thiệt hại hơn 2,1 tỷ đồng.

Qua khảo sát, thống kê có 437 căn nhà ở dọc theo các tuyến kênh của các hộ dân, trong đó, nhà có nguy cơ sạt lở cao trong thời gian tới 57 căn cần phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn để tránh thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.

Dân sinh - Kiên Giang: Sụt lún, sạt lở gây thiệt hại hơn 60 tỷ đồng

Cầu giao thông nông thôn đường tỉnh 965 (đường đê ngoài), ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc (huyện U Minh Thượng. tỉnh Kiên Giang) bị sụt lún, sạt lở.

Hiện nay, 21 tuyến kênh rạch trên địa bàn huyện chỉ còn duy nhất tuyến Kênh 8, xã Minh Thuận chưa xuất hiện sụt lún, sạt lở đất. Điều quan ngại nhất là khi xuất hiện những cơn mưa lớn đầu mùa thì khả năng sạt lở sẽ nghiêm trọng hơn, nhất là những đoạn, tuyến đường đang bị rạn nứt.

Theo lãnh đạo huyện U Minh Thượng, mùa khô 2023 - 2024 đến sớm và độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm, dự báo mùa mưa năm 2024 trễ, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, khả năng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh rất cao.

Bên cạnh đó, tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ tăng cao làm nước bốc hơi nhanh kết hợp với việc bơm trữ nước của người dân đã gây ra tình trạng khô dòng, cạn nước mặt trên các tuyến kênh, gây ra sụt lún, sạt lở đường giao thông khu vực vùng đệm, ảnh hưởng bất lợi, khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản.

Kiến nghị tỉnh có các chính sách hỗ trợ người dân

Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra do sụt lún, sạt lở trong thời gian tới, các địa phương huyện U Minh Thượng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của cộng đồng đối với khu vực nguy hiểm, vận động người dân đang sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở cao di dời đến nơi an toàn, nhất là cảnh giác cao độ khi xuất hiện những cơn mưa lớn đầu mùa.

Huyện U Minh Thượng thăm hỏi động viên các hộ dân có nhà bị hư hại do sụt lún, sạt lở, hỗ trợ bà con sớm ổn định cuộc sống.

Xã An Minh Bắc và Minh Thuận, huy động lực lượng khắc phục tạm thời những đoạn giao thông nông thôn bị sụt lún, thông tuyến để người dân vận chuyển hàng hóa, đi lại an toàn. Huyện sẽ kiến nghị Sở Giao thông Vận tải Kiên Giang xem xét giảm tải trọng đường Tỉnh 965 đến hết mùa khô.

Dân sinh - Kiên Giang: Sụt lún, sạt lở gây thiệt hại hơn 60 tỷ đồng (Hình 2).

Đường giao thông nông thôn Kinh 19, ấp An Thạnh, xã An Minh Bắc (huyện U Minh Thượng) bị sụt lún, sạt lở.

Đồng thời, huyện U Minh Thượng triển khai, thực hiện các biện pháp khắc phục tạm thời hậu quả do sụt lún, sạt lở gây ra đảm bảo cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân, cấm biển báo cấm ô tô vào các tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở.

Khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở cắm biển cảnh báo, giăng dây, kẽ vạch, lắp đèn tín hiệu… để cảnh báo người dân.

Đặc biệt, đối với các hộ nhà ở ven kênh (cặp mé lộ) trong khu vực vùng đệm, nguy cơ có thể xảy ra sạt lở, vận động di dời đến nơi an toàn và kiên quyết di dời đối với các căn nhà ở khu vực rạn nứt, nguy cơ sạt lở cao có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, dự báo, cảnh báo về tình hình sạt lỡ trong mùa khô 2024, hạn chế thấp nhất thiệt hại về con người, tài sản do sụt lún, sạt lở gây ra.

Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng - ông Dương Quốc Khởi cho biết, huyện kiến nghị tỉnh, nếu như tình trạng sụt lún, sạt lở và hậu quả thiên tai gây ra đã đủ điều kiện công bố thiên tai thì sớm công bố cấp độ rủi ro thiên tai để có các chính sách hỗ trợ người dân; vùng bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống, giảm thiệt hại trước mắt cũng như lâu dài.

Đồng thời, đề nghị tỉnh xem xét bổ sung nguồn kinh phí cho huyện sửa chữa các đoạn, tuyến đường sụt lún, sạt lở đảm bảo cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Đề nghị tỉnh sớm cho chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng hệ thống kênh, xây dựng cống, đê bao kết hợp hồ chứa nước, xây dựng trạm bơm điều tiết chống ngập úng, sạt lở trong vùng đệm U Minh Thượng.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.