Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng hiện nay trên địa bàn tổng diện tích hơn 41.000ha, chiếm gần 50% diện tích rừng của tỉnh này.
Bên cạnh đó, thông tin cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm, có khả năng cháy lớn và cháy lan chủ yếu trên địa bàn thành phố Phú Quốc; cấp IV, cấp nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra cháy lớn, cháy lan ở lâm phần các huyện: Giang Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, Kiên Hải và thành phố Hà Tiên; cấp III, cấp cao, dễ xảy ra cháy rừng ở lâm phần huyện An Minh.
Riêng rừng tràm ở Vườn quốc gia U Minh Thượng đang ở mức đảm bảo an toàn.
Hiện đang giai đoạn cao điểm mùa khô, tỉnh Kiên Giang tập trung thực hiện các phương án với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt phòng cháy chữa cháy rừng, nhằm hạn chế thấp nhất các vụ cháy có thể xây ra, gây thiệt hại tài nguyên rừng.
Theo đó, các Hạt Kiểm lâm phối hợp địa phương và các đơn vị chủ rừng đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức và hướng dẫn 931 hộ gia đình sống gần rừng, ven rừng ký cam kết bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô.
Phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trên các lâm phần, thường xuyên nhắc nhở hộ gia đình sống ven rừng sử dụng lửa an toàn, nêu cao ý thức, chủ động phòng cháy chữa cháy rừng.
Các Hạt kiểm lâm tăng cường thực hiện quy chế phối hợp bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng với các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ và các đơn vị đóng quân trên địa bàn, huy động được nhiều lực lượng cùng tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng ở địa phương.
Ngành chức năng tỉnh kiện toàn 205 tổ, đội phòng cháy chữa cháy rừng cơ sở với 1.862 thành viên, xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng hơn 800 người, gồm lực lượng vườn quốc gia, Ban quản lý rừng, tổ chức và các hộ dân nhận khoán rừng, thuê môi trường rừng.
Đồng thời, ngành chức năng, đơn vị liên quan, chủ rừng cày, ủi đường băng cản lửa với tổng diện tích hơn 620ha; đắp, gia cố 48 đập giữ nước, 6 cống điều tiết nước; nạo vét giếng khơi trữ nước, bố trí hàng chục bồn, bể trữ nước từ 2 - 12 m³ nước/bồn, bể tại các khu vực trọng yếu, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; phát dọn thực bì trên các tuyến kênh dài 76km, phát quang 58km đường tuần tra và 30 đường tuyến tại các khu vực có nguy cơ cháy cao, nạo vét các hố chứa nước trong rừng; sửa chữa, bảo trì trạm bơm nước bằng điện và bơm bổ sung hơn 2,5 triệu m³ nước vào các lâm phần trên địa bàn huyện Hòn Đất, Giang Thành.
Ngoài ra, tỉnh đã bố trí 81 trạm, chốt, lán trại, máy bơm, phương tiện vận chuyển và thiết bị, dụng cụ chữa cháy… với hàng trăm người tham gia trực chiến 24/24 giờ tại các vùng trọng điểm theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi tình huống xấu xảy ra.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ cháy rừng ở Vườn quốc gia Phú Quốc, diện tích cháy hơn 14 ha, chủ yếu cháy dây leo, cây bụi, rừng tràm tái sinh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, đang cao điểm mùa khô, Sở phối hợp với ngành chức năng, đơn vị liên quan và địa phương có rừng thường xuyên tuyên truyền, thông tin cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng đến người dân sống ven rừng biết, nâng cao ý thức, tham gia phòng cháy chữa cháy rừng.
Các đơn vị chủ rừng tăng cường lực lượng tuần tra và cấm chốt trực 24/24 giờ đến hết mùa khô năm 2024. Xử lý nghiêm những chủ rừng không thực hiện các điều kiện đảm bảo an toàn về phòng chống cháy rừng.
Kiểm soát chặt chẽ các lâm phần, nhất là khu vực có nguy cơ cháy cao, theo dõi thông tin, diễn biến tình hình phòng cháy chữa cháy rừng ở địa phương, kịp thời huy động lực lượng ứng cứu, khống chế, dập tắt các vụ cháy mới phát sinh, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.