Chiều qua 9/1, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ngoài công lập đã họp bàn để góp ý cho dự thảo quy định tuyển sinh ĐH, CĐ.
Tin Tức, sự kiện, ý kiến luật sư trong ngày được cập nhật liên tục từng giờ tại Thời sự trong ngày |
Kết thúc cuộc họp, hiệp hội này kiến nghị Bộ GD&ĐT thực hiện "5 bỏ": bỏ điểm sàn, bỏ thi theo khối, bỏ quy định các trường không được phép sử dụng kết quả thi của trường khác làm căn cứ xét tuyển, bỏ việc bắt các trường phải nộp đề án tuyển sinh, từ năm 2015 bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ.
"Mỹ là một nước mà quyền tự chủ ĐH rất cao nhưng không có một trường ĐH nào của họ tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh. Tất cả các trường ĐH của Mỹ đều căn cứ vào kết quả thi của hai dịch vụ tuyển sinh là SAT và ACT để tuyển sinh.
Sở dĩ các trường của họ không tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh bởi nó rất tốn kém, rất khó khăn, đòi hỏi phải có một lực lượng chuyên gia về đánh giá hùng hậu. Các nước khác như Nga, Nhật… cũng không có trường ĐH nào tự tổ chức một kỳ thi tuyển sinh", GS Lâm Quang Thiệp, nguyên vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết.
Hầu hết các thành viên của Hiệp hội có mặt trong cuộc họp đều đồng tình với quan điểm của GS Thiệp. Ông Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng Bộ GD&ĐT nên bỏ khái niệm “kỳ thi tuyển sinh” thay vào đó bằng khái niệm “kỳ tuyển sinh” với hàm ý không nhất thiết tuyển sinh là phải tổ chức thi.
Đại diện trường CĐ ASEAN cũng cho rằng chúng ta cần tiến tới bỏ nhanh kỳ thi ĐH. Vì các nước cũng đã không có kỳ thi ĐH.
Theo kiến nghị của các thành viên Hiệp hội Đại học và Cao đẳng, bộ Giáo dục nên bỏ thi Đại học từ năm 2015.
Theo kiến nghị chung của các thành viên Hiệp hội, Bộ GD&ĐT cần công bố ngay quy định quốc gia về trình độ đầu vào tối thiểu của các cơ sở giáo dục ĐH. Việc tuyển như thế nào là dành cho các trường tự quyết và tự công bố công khai, Bộ không nên can thiệp quá sâu như trong dự thảo.
Cũng theo các thành viên Hiệp hội, Bộ GD&ĐT quá coi trọng kết quả kỳ thi “ba chung” trong khi chẳng nước nào trên thế giới công nhận kỳ thi này.
Ông Lê Viết Khuyến nói: “Ở các nước tiên tiến, hầu hết học sinh học xong THPT vào ĐH là bình thường. Về mặt nguyên tắc, hễ tốt nghiệp THPT là đủ năng lực học ĐH. Chúng ta cần phải tư duy theo cách ấy.
Còn việc học sinh tốt nghiệp THPT quá nhiều so với lực tiếp nhận của các trường ĐH nên phải tổ chức thi tuyển gắt gao là do vấn đề phân luồng của chúng ta chưa tốt. Cần phải giải quyết tận gốc, tức là giải quyết vấn đề phân luồng sau THCS”.
Ông Khuyến cho rằng các kỳ thi tuyển sinh của chúng ta không phải là kỳ thi tiêu chuẩn. Vì mỗi năm mức độ khó dễ của đề có khác nhau. Thế thì không thể có điểm sàn.
Theo ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, tự chủ trong tuyển sinh là quyền đương nhiên của tất cả các cơ sở giáo dục ĐH. Bộ chỉ cần đưa ra các quy định về công tác tuyển sinh, không nên bắt từng trường phải trình duyệt phương án tuyển sinh thì mới công nhận quyền tự chủ tuyển sinh của họ. Bộ cần công bố ngay quy định quốc gia về trình độ đầu vào tối thiểu của các cơ sở giáo dục ĐH. Bộ chỉ nên xem kỳ thi chung do Bộ tổ chức như là một dịch vụ công ích cần thiết để hỗ trợ cho các cơ sở GD ĐH.
Ngoài ra, theo PGS.Trần Xuân Nhĩ, để giảm phiền hà và tốn kém cho người học, hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam ủng hộ đề án của Bộ GD-ĐT trước đây về nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một.
GS.Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng trường ĐH DL Hải Phòng cũng cho rằng kỳ thi ĐH tốn quá nhiều tiền của của nhân dân. Làm sao để điểm tốt nghiệp đủ trung thực để xét tuyển ĐH.Ngoài ra có thể xét cả quá trình học.
Như vậy, có thể nói, các trường NCL đều có mong muốn được xét tuyển đầu vào ĐH. Vì việc tổ chức một kỳ thi rất tốn kém và có quá nhiều vấn đề phải chịu trách nhiệm. Do đó, các trường đều cho rằng Bộ cho phép các trường được tự chủ trong tuyển sinh.
Cao Hòa
Tin Tức, sự kiện, ý kiến luật sư trong ngày được cập nhật liên tục từng giờ tại Thời sự trong ngày