Liên quan tới các nội dung điều chỉnh, bổ sung tại Thông tư 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp thay thế Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC sau đây gọi là Thông tư số 15), cùng với việc chuyển đổi cơ chế tài chính tự chủ một phần của các cơ sở y tế công lập, đại diện BHXH Việt Nam đã chỉ ra những điều chưa thể khắc phục được.
Đó là, Thông tư 15 sẽ chưa thể khắc phục được tình trạng kê thêm giường bệnh không kiểm soát, tăng chỉ định vào điều trị nội trú, kéo dài ngày điều trị, chỉ định rộng rãi, quá mức cần thiết các dịch vụ kỹ thuật để tăng nguồn thu dẫn đến gia tăng chi phí khám, chữa bệnh như năm 2016, 2017 vừa qua.
Cũng theo vị đại diện này, BHXH Việt Nam tiếp tục kiến nghị 2 nội dung đã góp ý nhưng chưa được bộ Y tế tiếp thu ý kiến tại Thông tư số 15.
Thứ nhất là về định mức kinh tế kỹ thuật của các dịch vụ y tế: Tại khoản 7, Điều 4 của Thông tư số 15 quy định “Các chi phí quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành, giá của các yếu tố chi phí, mặt bằng chi phí thực tế, hợp lý theo chế độ, chính sách hiện hành, bảo đảm tính trung bình, tiên tiến, đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ. Định mức kinh tế kỹ thuật là cơ sở để xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, không sử dụng làm căn cứ để thanh toán đối với từng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể…”.
Trong khi đó, tại khoản 6, Điều 5; khoản 16, Điều 6; khoản 8, Điều 7 Thông tư này lại cho phép thanh toán đối với các số lượt khám, số giường bệnh, số lượt dịch vụ kỹ thuật vượt định mức tính giá.
Tại văn bản số 2704/BYT-KH-TC ngày 16/5/2018, bộ Y tế cũng nêu định mức không được sử dụng để làm căn cứ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và coi phần vật tư, hoá chất không sử dụng cho người bệnh là phần “tiết kiệm” được.
"Sự thiếu nhất quán giữa các quy định cho thấy việc thanh toán theo giá dịch vụ y tế chưa rõ ràng, thiếu minh bạch.
BHXH Việt Nam đã kiến nghị bỏ quy định khoản 7, Điều 4 nêu trên vì định mức kinh tế kỹ thuật được xây dựng trên cơ sở quy trình chuyên môn kỹ thuật, là cơ sở tính giá dịch vụ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ, các đơn vị có trách nhiệm thực hiện.
Đồng thời đề nghị bộ Y tế quy định định mức nào bắt buộc cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) phải tuân thủ, định mức nào được chủ động thực hành tiết kiệm và quy định “Cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán theo thực tế sử dụng của đơn vị trong trường hợp cơ sở KCB thực hiện không đảm bảo tối thiếu 90% định mức quy định”. Vì nếu không thanh toán theo thực tế thực hiện định mức thì các cơ sở y tế sẽ không phấn đấu đảm bảo chất lượng dịch vụ theo quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh BHYT", vị đại diện này cho hay.
Thứ 2, về việc thanh toán chi phí giường bệnh: Từ ngày 26/3 - 18/4, các đoàn công tác theo Kế hoạch 823/KH-BYT ngày 21/7/2017 của bộ Y tế đã khảo sát tại 30 cơ sở KCB thuộc các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Gia Lai, Kon Tum; các bệnh viện đã khảo sát gồm 9 đơn vị hạng 1, 7 đơn vị hạng 2, 13 đơn vị hạng 3.
Kết quả khảo sát cho thấy một số bệnh viện đã có những thay đổi tích cực để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, một số đơn vị có cơ sở vật chất khang trang như bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ mới xây dựng khu điều trị, bệnh viện Y Dược cổ truyền Thái nguyên, Kon Tum, Gia Lai mới sửa chữa có cơ sở vật chất khang trang.
Tuy nhiên, hầu hết các bệnh viện đều có cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị cũ, thiếu ánh sáng, diện tích khoa phòng điều trị chật hẹp do kê thêm nhiều giường mặc dù công suất sử dụng đạt dưới 80%. Một số bệnh viện tận dụng hành lang, gầm cầu thang, tầng trệt để kê giường điều trị, một số phòng chỉ đạt khoảng 2m2/giường bệnh.
Kết quả khảo sát nhân lực/giường bệnh của 29 đơn vị thuộc các tỉnh nêu trên cho thấy chỉ có 5 đơn vị đạt mức nhân lực/giường bệnh >1, và có 4 đơn vị có mức nhân lực khu lâm sàng đảm bảo được định mức nhân lực tính tiền lương vào giá.
"Tuy nhiên, Thông tư số 15 chưa có quy định điều kiện, giới hạn đối với số giường được kê thêm. Việc thanh toán với một tỷ lệ chênh lệch không đáng kể nhưng quy định tại khoản 16, Điều 6 của Thông tư này sẽ không giúp kiểm soát được tình trạng kê thêm giường bất cập như hiện nay", đại diện BHXH Việt Nam nói.
Từ kết quả khảo sát thực tế, BHXH Việt Nam đã có nhiều văn bản đề xuất với bộ Y tế phương án thanh toán chi phí giường bệnh theo định mức nhân lực nhằm kiểm soát được số lượng giường điều trị nội trú và hướng tới đảm bảo chất lượng chăm sóc toàn diện.
Phương án này giúp đảm bảo thanh toán đúng thực tế, đồng thời thúc đẩy các cơ sở KCB bổ sung nhân lực, tiến tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh, nâng cao chất lượng KCB, hạn chế được tình trạng đưa người bệnh vào nhập viện khi chưa cần thiết và vẫn đảm bảo nguyên tắc minh bạch, tính đúng, đủ các chi phí cấu thành giá dịch vụ y tế.
Nguyễn Huệ