Kiến nghị giám đốc thẩm vụ cầm nhầm tiền ngân hàng

Kiến nghị giám đốc thẩm vụ cầm nhầm tiền ngân hàng

Thứ 5, 27/12/2012 23:56

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản kiến nghị chánh án TAND tối cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm bản án sơ thẩm và phúc thẩm trong vụ 2 chị em cầm nhầm 100 triệu đồng.

14h ngày 10/3/2009, hai chị em bà Gái và Em đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Bình (Agribank Bắc Bình) nhận 100 triệu đồng do khách hàng mua nông sản chuyển đến từ Đồng Nai. Người trực tiếp kí nhận tiền là bà Em.

19h cùng ngày, cán bộ Agribank Bắc Bình đến nhà bà Gái thông báo rằng ngân hàng này đã chi nhầm 200 triệu đồng, đề nghị bà Gái hoàn trả 100 triệu. Tuy nhiên, hai chị em bà Gái quả quyết chỉ nhận 100 triệu đồng nên không đáp ứng.

Đáp lại, Agribank Bắc Bình mang băng ghi hình cảnh giao nhận tiền đến yêu cầu Công an huyện Bắc Bình khởi tố 2 “thượng đế” nhưng công an từ chối vì cho rằng không đủ chứng cứ. Agribank Bắc Bình gửi đơn tố cáo lên Công an tỉnh Bình Thuận và được chấp thuận.

Sau đó, TAND huyện Bắc Bình xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bà Em 6 tháng tù, phạt bà Gái 9 tháng tù về tội “Chiếm giữ tài sản trái phép”. Hai bị cáo kháng cáo kêu oan.

Tòa phúc thẩm đã bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm. Nghe Tòa tuyên án, 2 bị cáo lăn lóc, gào khóc kêu oan giữa chốn “công đường”.

Điều đáng nói là nhiều người bất ngờ khi được biết, Agribank Bắc Bình đã từng có tiền lệ “chi nhầm”. Tại tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Thuận đã triệu tập 2 nhân chứng là ông Cao Chí Tông và ông Cao Văn Lượng (đều ở thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình) theo đề nghị của các Luật sư.

Trước tòa, ông Lượng khẳng định từng vay Agribank Bắc Bình 30 triệu đồng, sau đó có 2 nhân viên ngân hàng này đến nhà ông đòi ông trả lại 20 triệu đồng do ngân hàng đã “chi nhầm” 50 triệu.

Ông Tông thì kể rằng mình từng vay 10 triệu đồng của Agribank Bắc Bình để có tiền cho con đi học đại học tại TP.HCM. Tối cùng ngày, nhân viên Agribank Bắc Bình đến nhà thông báo họ đã “chi nhầm” cho ông Tông 17,5 triệu đồng, yêu cầu ông trả lại 7,5 triệu đồng. Lần đó ông Tông suýt làm đơn tố cáo Agribank Bắc Bình vì ngân hàng này đã vu vạ, xúc phạm đến danh dự của ông.

Pháp luật - Kiến nghị giám đốc thẩm vụ cầm nhầm tiền ngân hàng

Phiếu ghi có nhiều sai sót do ngân hàng, lại là chứng cứ buộc tội bị cáo - Theo Lao Động

Theo báo Thanh Niên, ông Lê Đắc Lâm - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Bình Thuận cho biết, sau khi nhận được đơn, Đoàn đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu hồ sơ vụ án và nhận thấy lời kêu oan của các bị cáo là có cơ sở.

Được biết, tại phiên xử phúc thẩm, các Luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 2 bị cáo tại phiên phúc thẩm cho rằng: Kết luận giám định băng ghi hình của Agribank Bắc Bình là phương pháp hình học nên dùng để định lượng là bất hợp lý. Hơn nữa, giám định viên cũng đã xác nhận tại phiên tòa sơ thẩm rằng họ chỉ giám định theo yêu cầu của cơ quan tố tụng, còn việc dùng làm chứng cứ thì họ không chịu trách nhiệm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Em xác nhận: Từ khi bị khởi tố, bà chưa từng được cơ quan tố tụng cho xem bảng kê các loại tiền ngày 10/3/2009 có chữ ký của bà. Đến phiên tòa phúc thẩm, bà Em mới được xem bảng kê này và bà khẳng định chữ ký trong đó không phải của bà. Bà Em đề nghị HĐXX cho giám định chữ ký này.

Luật sư Hồ Nam (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) chỉ ra: Chứng cứ cơ bản để khởi tố bà Em là bảng kê chi tiền nêu trên và bảng kiểm quỹ cuối ngày 10/3/2009. Trong đó, bảng kê chi tiền mập mờ về chữ kí nhưng cơ quan tố tụng không cho giám định chữ ký là vi phạm tố tụng. Còn bảng kiểm quỹ không kèm theo bảng kê các loại tiền nên chưa đủ cơ sở để xác định số tiền bị mất gồm các loại tiền gì.

Các Luật sư cũng chỉ ra một số nghi vấn trong các bảng kê các loại tiền mà Agribank Bắc Bình đã cung cấp cho cơ quan điều tra. Một là, khi đưa bảng kê số tiền 99.989.000 đồng cho bà Em ký, thủ quỹ đã không ghi phần giữa, phần cuối, chưa đóng dẫu nhưng đã chi tiền?

Hai là nghi vấn thủ quỹ Agribank Bắc Bình đã hủy bảng kê chi tiền chính và lập bảng kê chi tiền khác, giả chữ ký của bà Em trong khi trách nhiệm của cán bộ này là phải giao đúng, đủ tiền cho khách hàng. Việc để thất thoát tiền của ngân hàng (nếu có), trước hết thuộc về trách nhiệm của nhân viên ngân hàng, vậy tại sao chỉ có khách hàng bị truy tố?

Lệ Vân (tổng hợp)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.