Cơ quan chức năng vừa triệt phá thành công một đường dây mua bán dâm giá ngàn đô do “tú ông” Kiều Đại Dũ (22 tuổi, quê Bình Định) cầm đầu. Bị can Kiều Đại Dũ có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự và có nguy cơ đối mặt với mức án cao tương xứng với mức độ, tính chất, hành vi nguy hiểm cho xã hội mà đối tượng gây ra.
Trong khi đó, các “chân dài” thoải mái hét giá, thậm chí mức giá cho một lần “vui vẻ” lên tới ngàn đô, nhưng khi bị "sờ gáy" thì cũng chỉ phải nộp phạt hành chính mức cao nhất tới 500.000 đồng.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, vậy có cách nào để xử lý triệt để vấn nạn này? Luật sư Hà Trọng Đại – công ty luật hợp danh The Light, đã nêu quan điểm, đề xuất một số giải pháp nhằm ngăn chặn tệ nạn mại dâm này.
Theo luật sư Đại, hiện nay, chúng ta có Bộ luật Hình sự, Nghị Định 167 năm 2013 quy định về các chế tài đối với hành vi mua bán, chứa chấp và môi giới mại dâm.
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017 chỉ quy định xử lý hình sự đối với hai hành vi là: Môi giới mại dâm và Chứa mại dâm.
Những người có hành vi mua, bán dâm sẽ chỉ bị xử lý hình sự trong trường hợp: Mua dâm người dưới 18 tuổi và người bán dâm có hành vi lây truyền HIV cho người khác.
Theo Nghị định 167 năm 2013 thì chúng ta chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính ở mức 500.000 đồng với người bán dâm và 1 triệu đồng với người mua dâm.
Luật sư Đại lý giải về mức phạt thấp như vậy bởi thực ra hành vi bán dâm (kể cả “chân dài” có giá cao ngất ngưởng cho mỗi lần bán dâm) cũng không gây hậu quả quá nặng nề cho xã hội. Và ở một số nước (như Thái Lan) thì họ còn cấp phép cho hoạt động này.
“Do đây không phải là ngành nghề kinh doanh được cấp phép nên chúng ta không có quy định về mức giá. Lợi dụng lỗ hổng này nên các “chân dài” có thể tùy tiện đưa ra muôn vàn mức giá khác nhau và người mua dâm cũng có thể mua ở bất cứ giá nào tùy vào điều kiện kinh tế của họ”, luật sư Đại nêu quan điểm.
Luật sư Đại cho biết, hoạt động mua bán dâm thực ra là một tệ nạn được Nhà nước quan tâm xử lý. Đã rất nhiều lần chúng ta bàn đến vấn đề này và đưa vào quản lý chặt chẽ cũng như cần có các chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn nhưng chúng ta vẫn chưa làm được. Cụ thể, năm 2014, Hà Nội đã triển khai nhưng không thành công, bởi sự tế nhị của văn hoá, lối sống Á đông. Mặt khác nó liên quan đến quan hệ gia đình, thế hệ trẻ (đặc biệt là trẻ nhỏ) khi nhìn nhận người thân của mình vi phạm về hành vi này.
Pháp luật hiện hành của chúng ta chưa có quy định nào cho phép các cá nhân, tổ chức, truyền thông được phép nêu danh tính, hình ảnh người mua bán dâm. Vậy nên chúng ta vẫn chưa quản lý được chặt chẽ cũng như mức xử lý (cả hình sự lẫn hành chính) còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Từ đây, luật sư Đại kiến nghị, muốn hạn chế tệ nạn này diễn ra, chúng ta chỉ có thể xử lý hình sự với mức xử phạt nghiêm khắc hơn đối với những đối tượng chứa chấp, môi giới mại dâm. Bởi hoạt động này chủ yếu dựa vào những đối tượng môi giới, chứa chấp. “Hạn chế các cá nhân, tổ chức môi giới, chứa chấp thì sẽ hạn chế được hoạt động mại dâm”, Luật sư Đại nói.
Đồng tình với quan điểm của luật sư Hà Trọng Đại, luật gia Trương Công Đức (ở Hà Nội) cũng cho rằng, hiện nay, Nhà nước ta chưa coi mại dâm là một ngành nghề kinh doanh được cấp phép. Từ đây dẫn tới tình trạng các “tú ông”, “tú bà” và cả các “đào” tự làm giá với những mức giá trên trời dưới bể.
Vậy, để ngăn chặn việc hét giá cao, luật gia Đức kiến nghị nên hợp pháp hóa mại dâm thành một nghề. Và nghề đặc biệt này sẽ phải tuân thủ các quy định, điều kiện hành nghề riêng, nếu vi phạm, lúc đó sẽ bị xử lý hình sự.