Những kiến nghị lấn sân
Thông tin đang gây nóng dư luận trong tuần qua, là trong phần góp ý cho dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi mà bộ Tài chính vừa gửi viện Kiểm sát nhân dân tối cao có đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra ban đầu cho UBCKNN đối với ba tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự gồm: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a); tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b) và tội thao túng giá chứng khoán (Điều 181c).
Căn cứ được bộ Tài chính "vin" vào để đưa ra kiến nghị này là do đã ban hành Thông tư liên tịch số 10/2013, ngày 26/6/2013, hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính-kế toán và chứng khoán, có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2013. Trong Thông tư này, chưa có chức năng nào của UBCKNN, trong khi đó, một loạt "tội phạm tày đình" có thể nguy hại đến an ninh tài chính quốc gia thì UBCKNN không có quyền gì cả. Do vậy, việc bộ Tài chính đề nghị trao thẩm quyền khởi tố, điều tra cho UBCKNN đối với ba tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự, đã tạo ra sự ngạc nhiên đến khiếp đảm của những người am hiểu pháp luật, trong giới tài chính và những nhà làm luật.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên bộ Tài chính "thích" đưa ra quan điểm đề nghị “trao quyền” trong lĩnh vực kiểm soát của mình. Trước đó, trong dự thảo luật Quản lý thuế được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ IX, Quốc hội khóa XI (ngày 7/11/2007) đã có quy định về Mục đích điều tra thuế- đây được coi là điều tra hành chính nhằm phát hiện các hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế để thu đủ tiền thuế vào ngân sách Nhà nước.
Theo đó, trường hợp cơ quan điều tra thuế phát hiện hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan quản lý thuế chuyển hồ sơ, tang vật, chứng cứ sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Thị trường chứng khoán cần thiết phải quản lý nghiêm ngặt.
Dự thảo luật cũng quy định cụ thể các nguyên tắc điều tra thuế chỉ được thực hiện theo phương án điều tra thuế. Phương án điều tra phải do Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế phê duyệt, bao gồm đối tượng, nội dung, biện pháp, thời hạn và người thực hiện điều tra. Công chức thuế là thanh tra viên, kiểm tra viên, kiểm tra viên chính, kiểm soát viên chính được thực hiện điều tra thuế...
Các biện pháp áp dụng trong điều tra thuế gồm: Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến đối tượng điều tra. Khám nơi cất giấu hàng hóa, phương tiện đồ vật liên quan đến việc trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế; tạm giữ hàng hóa, phương tiện, đồ vật liên quan đến việc trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế; trưng cầu giám định; tiến hành các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật để thu thập chứng cứ, phát hiện điều tra làm rõ hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nên quy định về điều tra thuế theo đề xuất của bộ Tài chính đã không được Quốc hội thông qua.
Theo nhìn nhận của một số chuyên gia pháp lý, sở dĩ bộ Tài chính tự tin đưa ra những kiến nghị này là do trước đó, một đơn vị cấp Tổng cục khác thuộc Bộ này là Tổng cục Hải quan, đã được trao thẩm quyền khởi tố, điều tra. Tuy chưa có một nghiên cứu đánh giá cụ thể về năng lực và kết quả của ngành này khi được trao thêm quyền hành đầy uy lực ấy, nhưng nó cũng là một động lực khiến bộ Tài chính tiếp tục đưa ra những kiến nghị tương tự.
Liệu có... lạm quyền?
Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn về kiến nghị của bộ Tài chính, TS. Dương Mạnh Hùng, cho biết: "Bộ Tài chính đưa ra kiến nghị xem ra chưa ổn, thiếu cơ sở lý luận thực tiễn xác đáng. Có thể, dạng tội phạm này là mới, là phức tạp, nhưng không vì lẽ đó mà phải "sinh" thêm một cơ quan điều tra khởi tố độc lập của ngành tài chính tồn tại song song với công an và viện Kiểm sát. Nên nhớ, để có thêm một cơ quan riêng biệt này, ngoài những đòi hỏi về chuyên môn, một yếu tố then chốt, không thể thiếu là nghiệp vụ và kinh nghiệm trong việc điều tra, xét hỏi. Việc đó, e rằng ngành tài chính khó đảm đương trọn vẹn, nếu được giao quyền".
Được biết đến là người từng gắn bó hàng chục năm trong vụ Pháp chế (bộ Công an), TS. Hùng chia sẻ: "Nếu chấp thuận cho UBCKNN hay cơ quan Thuế được điều tra khởi tố thì sẽ trùng lặp và nảy sinh mối e ngại lạm quyền của cơ quan này. Pháp luật đã quy định, trong quá trình quản lý, thấy vấn đề phát sinh, cơ quan quản lý có quyền thanh tra, kiểm tra xử lý. Nếu thấy sự việc vượt qua khả năng xử lý của mình, thì báo cáo lên cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xử lý, hoặc phát hiện có dấu hiệu hình sự thì chuyển cơ quan công an. Nhưng thực tế, việc thanh tra, kiểm tra đã thực sự làm hết, làm đủ hay chưa vẫn còn một khoảng trống nên không vội gì tính chuyện trao thêm quyền cho các cơ quan này".
"Việc này là trái với Pháp lệnh Điều tra hình sự và những quy định đã được giao thẩm quyền điều tra cho cơ quan tố tụng theo Bộ luật Hình sự. Nếu được phê duyệt, nó dẫn đến chuyện chồng chéo, giẫm đạp lên nhau trong quá trình tiến hành tố tụng của các cơ quan liên quan", TS. Hùng nhận định.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc giao quyền điều tra, khởi tố cho UBCKNN là điều cần thiết. Trích nguồn một số cơ quan báo chí lĩnh vực kinh tế cho rằng, nếu thẩm quyền khởi tố, điều tra được trao cho UBCKNN mà họ thực sự phát huy hiệu quả trong đấu tranh với các hành vi vi phạm nghiêm trọng trên thị trường chứng khoán thì tốt.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh UBCKNN chưa tách khỏi bộ Tài chính, cần phân cấp mạnh hơn cho UBCKNN, tránh trao quyền nửa vời. Trong đó, bộ Tài chính cần phân định rõ thẩm quyền của UBCKNN trong khởi tố, điều tra các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán như: Khi ra quyết định khởi tố, điều tra, UBCKNN có phải báo cáo và được sự chấp thuận của bộ Tài chính hay không, hay UBCKNN có quyền tự chủ và chịu trách nhiệm về quyết định khởi tố, điều tra của mình. Khi được trao thẩm quyền điều tra ban đầu với ba tội danh trên, việc phối hợp giữa UBCKNN với cơ quan điều tra trong xử lý ba tội danh này cũng như với các tội danh khác cũng cần được quy định rõ.
Nhiều chuyên gia kinh tế khi được hỏi đều có chung quan điểm: Phải có chính sách xã hội hóa hoạt động giám sát thanh tra. Bản thân các doanh nghiệp hiện nay đã có nhiều cơ quan giám sát như thanh tra của các bộ ngành, công an, kiểm toán, thuế... nhưng gian lận vẫn tồn tại. Vì vậy, điều quan trọng là tăng cường công tác thanh kiểm tra giám sát của UBCKNN nhiều hơn và phát triển ở mọi tầng lớp trong xã hội.
Bên cạnh đó, nếu xác định UBCKNN là một trong các cơ quan có nhiệm vụ tìm ra những nguyên nhân và điều kiện phạm tội, như vậy vấn đề đặt ra là, nhiệm vụ này có đồng nhất với chức năng chứng minh tội phạm và chức năng buộc tội không? Bởi lẽ, nếu một khi UBCKNN vừa có chức năng chứng minh tội phạm, vừa có chức năng quản lý hành chính sẽ không còn phân định rõ ràng, chồng lấn lẫn nhau... qua đó làm cho tính hiệu quả của hoạt động tố tụng không cao.
Mổ xẻ quy trình "Giải quyết vụ án hình sự là một quá trình đòi hỏi các yêu cầu khắt khe về thủ tục tố tụng, không giống như giải quyết một vụ việc dân sự, kinh tế, lao động hay hành chính. Quá trình này có sự tham gia của nhiều cơ quan và người tiến hành tố tụng khác nhau, nên thẩm quyền của các chủ thể này cũng khác nhau từ lúc khởi tố vụ án cho đến giai đoạn xét xử vụ án. Quá trình này được tiến hành thông qua các giai đoạn tố tụng như sau: Giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, giai đoạn điều tra vụ án hình sự, giai đoạn truy tố và giai đoạn xét xử vụ án hình sự. Có thể nói, giai đoạn đầu tiên cũng là giai đoạn rất quan trọng của vụ án, chính là giai đoạn khởi tố vụ án hình sự. Với tính chất là một giai đoạn độc lập và đầu tiên của tố tụng hình sự, giai đoạn khởi tố vụ án hình sự có chức năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để xác định các tiền đề pháp luật về nội dung (vật chất) và pháp luật về hình thức (tố tụng) của việc điều tra vụ án hình sự. Giai đoạn này nhằm làm cơ sở cho việc xác định một người nào đó có hành vi phạm tội (hành vi nguy hiểm cho xã hội) hay không. Vì thế, không nên xem nhẹ và dễ dàng trao quyền cho bất cứ một cơ quan nào, khi chưa có căn cứ là lý luận thực tiễn”. (TS. Dương Mạnh Hùng, nguyên cán bộ vụ Pháp chế- bộ Công an) |
Quyền khởi tố, điều tra không phải ai “xin” cũng “cho” Luật sư Tạ Quốc Cường, giám đốc công ty luật Hợp danh Sự Thật cho hay: "Theo luật, tổ chức cơ quan điều tra hiện nay gồm ba bộ phận: Cơ quan điều tra của công an, của quân đội và của VKSND Tối cao. Ngoài ra, luật còn quy định một số cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, cảnh sát biển... Vì thế, việc Nhà nước trao thêm quyền cho chủ thể nào, pháp luật quy định cho chủ thể nào có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự là một vấn đề quan trọng, nó ảnh hưởng tới cả quá trình giải quyết vụ án". Cũng theo phân tích của luật sư Cường, khởi tố vụ án hình sự là hành vi tố tụng của chủ thể có thẩm quyền, làm phát sinh quan hệ tố tụng giữa cơ quan có thẩm quyền và người tham gia tố tụng là tiền đề cho quá trình điều tra làm rõ hành vi phạm tội và người thực hiện tội phạm. Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự là quyền hạn mà pháp luật quy định cho những chủ thể nhất định, được ra quyết định (thực hiện hành vi tố tụng) sau khi xác định một sự kiện pháp lý xảy ra trong thực tế có dấu hiệu của những tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự nhằm khởi phát những quan hệ tố tụng, mở đầu cho việc thực hiện những hành vi tố tụng hình sự cần thiết để làm rõ sự thật khách quan về sự kiện đó. "Giai đoạn khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Đây là tiền đề, cơ sở để thực hiện các giai đoạn tiếp theo. Việc xác định thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự cũng mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng", luật sư Cường nhấn mạnh. Bên cạnh đó, luật sư Cường khẳng định: "Chức năng điều tra là thuộc về ngành tư pháp, là quyền lực của Nhà nước, trong khi đó UBCKNN là đơn vị hành pháp, quản lý các hoạt động trên thị trường chứng khoán mà chủ yếu là hướng dẫn và phát triển thị trường. Do đó, cần xem xét kỹ trước khi trao quyền này cho UBCKNN, nếu trao thì vô hình trung có thể sẽ làm mờ nhạt đi vai trò quản lý chính của UBCKNN. Điều quan trọng là nên đẩy mạnh năng lực thanh tra của cả UBCKNN lẫn các cơ quan có liên quan, để theo kịp các hoạt động phát sinh trong lĩnh vực tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng chứ đừng "xin" thêm việc". Trao quyền hay không cần phải dựa trên yêu cầu thực tiễn Xung quanh kiến nghị của bộ Tài chính về việc trao quyền khởi tố điều tra cho UBCKNN về ba tội danh trong lĩnh vực chứng khoán, luật sư Nguyễn Minh Đức, công ty Tư vấn Đầu tư và Sở hữu Trí tuệ IPIC (Hà Nội) cho rằng, việc trao quyền liên quan đến khởi tố và điều tra cho bất cứ cơ quan nào cũng cần xem xét thực tế yêu cầu đặt ra. Thực tế, ngoài công an và viện Kiểm sát có chức năng này, nhiều cơ quan khác như bộ đội Biên phòng, cảnh sát Biển, Hải quan cũng được quyền khởi tố điều tra một số tội danh. Tuy nhiên, quyền của họ cũng bị luật hạn chế, thậm chí nhiều trường hợp chỉ là điều tra ban đầu. Điều này, xuất phát từ thực tiễn trong công tác phòng chống tội phạm đặt ra, chứ không phải "thích" có quyền khởi tố, điều tra là được. Quan trọng, người "xin" phải hiểu, đây không phải là kinh phí, nói "cho" là được. |
Trinh Phúc - Trần Quyết