Báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV tại Phiên họp thứ 10, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Thông qua 2.073 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV của các đại biểu Quốc hội tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Dân nguyện đã tổng hợp và chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết 3.320 kiến nghị của cử tri”.
Đối với các hoạt động của Quốc hội: Có 168/3.320 kiến nghị (chiếm 5,1%); Đối với công tác điều hành của Chính phủ: Có 3.119/3.320 kiến nghị (chiếm 94%); Đối với các hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Có 13/3.320 kiến nghị; Đối với hoạt động của các tổ chức Chính trị - xã hội và các cơ quan, tổ chức khác: Có 20/3.320.
Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp nhận, giải quyết và có văn bản trả lời 168/168 kiến nghị của cử tri (đạt 100%).
Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tiếp nhận, nghiên cứu, giải quyết và có văn bản trả lời 3.119/3.119 kiến nghị của cử tri (đạt 100%).
Mặc dù số lượng kiến nghị cử tri gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành là rất lớn (3.119 kiến nghị, kỳ họp trước chỉ là 856 kiến nghị), nhưng Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã rất nỗ lực, tích cực trong việc nghiên cứu, tiếp thu và chỉ đạo giải quyết, trả lời cử tri, kết quả là toàn bộ 3.119 kiến nghị được trả lời, 94 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành ngay trong thời gian giữa 2 kỳ họp thứ 2 và 3 của Quốc hội để kịp thời giải quyết những vấn đề mà cử tri tại nhiều địa phương quan tâm…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số hạn chế của Chính phủ trong việc giải quyết các kiến nghị cử tri đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu tại báo cáo giám sát kỳ trước nhưng chậm được khắc phục. Chẳng hạn như hiện tượng các bộ quá chú trọng tới việc trả lời kiến nghị cử tri (để tránh tồn đọng) mà chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết, hoặc xây dựng lộ trình cụ thể để giải quyết các kiến nghị cử tri, dẫn đến một thực trạng là mặc dù số kiến nghị được trả lời là rất lớn (3.119 kiến nghị) nhưng chất lượng của việc trả lời kiến nghị của cử tri chưa cao (trong đó 68% kiến nghị được trả lời bằng việc cung cấp thông tin).
Cá biệt có văn bản trả lời cho xong trách nhiệm nên nội dung trả lời còn chưa đúng, chưa đầy đủ với câu hỏi mà cử tri nêu, chưa phù hợp với quy định pháp luật, ví dụ như:
Trả lời của Thanh tra Chính phủ, cử tri hỏi về việc "chi trả chế độ bồi dưỡng đối với người hoạt động không chuyên trách được giao nhiệm vụ tiếp công dân ở cấp xã”. Trả lời của Bộ lại nêu về chế độ chi trả bồi dưỡng đối với công chức kiêm nhiệm (không phải chi trả cho đối tượng hoạt động không chuyên trách) là không đúng với nội dung kiến nghị mà cử tri nêu. Tuy nhiên, việc chính quyền cấp xã giao nhiệm vụ tiếp công dân cho người hoạt động không chuyên trách là trái với quy định của Luật Tiếp công dân, tuy nhiên đã không được Thanh tra Chính phủ nhắc nhở chấn chỉnh, để đảm bảo việc tiếp công dân được thực hiện đúng pháp luật.
Trả lời của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cử tri kiến nghị Bộ sớm nghiên cứu xây dựng đê bao ngăn mặn khép kín cho các tuyến đê tại các huyện Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng tuy nhiên, Bộ lại trả lời “hệ thống đê biển, đê cửa sông thuộc huyện Trần Đề hàng năm đều được Chính phủ bố trí kinh phí,...” là chưa đúng với nội dung mà cử tri nêu. Cụ thể, cử tri kiến nghị xây dựng đê bao tại huyện Kế Sách thì Bộ trả lời tại huyện Trần Đề.
Trả lời của bộ Nội vụ, cử tri nêu hiện nay, nhiều đơn vị cấp phòng trực thuộc UBND cấp huyện và tương đương, có con dấu và tài khoản riêng (phòng Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường,...) nhưng có những phòng cùng cấp lại không có (phòng Nội vụ, Tư pháp, Kinh tế, Kinh tế hạ tầng,...). Cử tri đề nghị bộ Nội vụ xem xét khắc phục tình trạng bất cập nêu trên, tuy nhiên, trả lời của Bộ chỉ nêu hiện đã có quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu và Bộ sẽ làm việc với các bộ liên quan là chưa đầy đủ, rõ ràng và khó hiểu đối với cử tri, cử tri không biết tình trạng như cử tri nêu này là đúng hay sai? Có được Bộ tiếp thu khắc phục không? Khi nào sẽ giải quyết?
Có những kiến nghị thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành nhưng do việc trả lời cử tri chưa thấu đáo nên cử tri không đồng tình với kết quả trả lời lại tiếp tục có kiến nghị tại nhiều kỳ tiếp xúc cử tri tiếp theo, như: Trả lời của bộ Giao thông vận tải về thực hiện dự án cao tốc đoạn Bắc Giang – Lạng Sơn và dự án nâng cấp QL4 đoạn nối Hà Giang đi Lào Cai (thi công dở dang từ năm 2009); Trả lời của bộ Kế hoạch và Đầu tư về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định để giải quyết vướng mắc về đầu tư, kinh doanh tạo sự liên thông giữa các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu và môi trường; Trả lời của bộ Nội vụ về việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra các sai phạm tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách; về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ…
Báo cáo do Trưởng ban Dân nguyện trình bày cũng nhấn mạnh, số kiến nghị mà cử tri gửi tới các kỳ họp Quốc hội chủ yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Bộ, ngành (tại kỳ báo cáo này chiếm 94% tổng số kiến nghị). Do vậy, sự quan tâm chỉ đạo việc trả lời giải quyết dứt điểm kiến nghị cử tri của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có ý nghĩa rất lớn, quyết định trong việc đáp ứng mong đợi của cử tri, thể hiện trách nhiệm chính trị trước cử tri và Nhân dân cả nước.
Vì vậy, để khắc phục triệt để các hạn chế đã nêu như chậm trả lời, không trả lời, trả lời chung chung mang tính chất đối phó, quá quan tâm tới số lượng trả lời mà chưa quan tâm thích đáng đến chất lượng trả lời, chưa xác định rõ giải pháp và tiến độ,... báo cáo nêu rõ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định việc giải quyết, trả lời đầy đủ, đúng hạn các kiến nghị của cử tri là một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các Bộ trưởng, Trưởng ngành, đồng thời có hình thức xử lý đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức và công khai để cử tri được biết.
Báo cáo cũng nêu rõ, một số Bộ còn nhiều kiến nghị chưa giải quyết xong như: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (32), bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (20), bộ Lao động Thương binh và Xã hội (17), Ủy ban Dân tộc (8),… Đặc biệt, có những kiến nghị mà cử tri kiến nghị từ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII (tháng 10/2014) tới nay vẫn chưa được giải quyết và cũng không có báo cáo gì thêm với cử tri về việc có tiếp tục giải quyết nữa hay không? Lộ trình giải quyết như thế nào? Chẳng hạn như: Cử tri đề nghị sớm ban hành quy định lễ phục của dân tộc nhằm giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc; cử tri đề nghị cần có quy định về hệ thống quản lý rủi ro trong các hoạt động ngân hàng…
Dương Thu