Tăng lực phòng thủ nhưng thiếu sức mạnh tấn công
Bằng cách thực hiện hợp đồng chuyển giao hệ thống phòng không S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ làm gián đoạn chuỗi cung ứng và sản xuất cho máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ mà còn mất khả năng bổ sung thế hệ máy bay chiến đấu tân tiến nhất này vào lực lượng không quân của mình, tờ Stratfor Worldview nhận định.
Với việc Washington ra quyết định loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 vào tháng trước, Ankara sẽ không thể nhận được 100 chiếc F-35 trong kế hoạch mua ban đầu và khiến các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ không được tiếp tục góp mặt trong chuỗi sản xuất F-35.
Không những vậy, kế hoạch xây dựng một cơ sở bảo trì để các nước trong khu vực có thể mang F-35 đến sử dụng dịch vụ cũng đã bị hủy bỏ.
“Khoản thu từ lĩnh vực bảo dưỡng, phục vụ cho F-35 từ các quốc gia khác nay sẽ rơi vào túi Israel vì Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi chương trình phát triển máy bay này”, Sinan Ciddi, chuyên gia tại Đại học Georgetown, viết trên Stratfor .
Nhìn ở bối cảnh rộng lớn hơn, việc Thổ Nhĩ Kỳ chọn mua một vũ khí chiến thuật mang tính chất phòng thủ như S-400 của Nga đã khiến họ mất đi tiêm kích tàng hình F-35, điều sẽ mang lại sức mạnh không quân rất lớn cho Ankara, chuyên gia này nhận định.
Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây sẽ bị hạn chế lựa chọn trong việc thay thế máy bay chiến đấu F-16 đã cũ. Trong khi đó, S-400 lại không thể hoạt động cho đến ít nhất là tháng 4/2020. Bởi vậy, quyết định này của Ankara được cho là không đúng thời điểm.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể trì hoãn thêm thời điểm hoạt động của S-400 hoặc thậm chí bán chúng cho bên thứ ba để cứu vãn tình hình. Điều này có thể giải thích tại sao Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu đàm phán thêm với Thổ Nhĩ Kỳ trước khi thực hiện các lệnh trừng phạt.
Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ mua Su-35 của Nga như một giải pháp thay thế F-35, bước đi như vậy cũng được coi là không hợp lý. Về cơ bản Su-35 không thể tích hợp được vào mạng lưới phòng không của NATO và sẽ hạn chế khả năng phối hợp với các máy bay vốn có trong kho quân sự của Ankara.
Ngoài ra, nếu tiếp tục mua thêm vũ khí Nga, căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO sẽ còn trở nên nghiêm trọng hơn.
Không có vũ khí Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó khăn?
Chuyên gia Ciddi cho biết, từ quan điểm của Mỹ, nước này muốn tránh làm gián đoạn chuỗi cung ứng và sản xuất của F-35 trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ chính thức bị loại khỏi chương trình (hiện tại mới là tạm đình chỉ).
Ngoài ra, Washington cũng tính toán đến những rủi ro đến từ phản ứng trả đũa của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này có thể bao gồm việc trục xuất lực lượng Mỹ khỏi căn cứ không quân Incirlik, làm gián đoạn các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc bị loại khỏi chương trình sản xuất F-35 có nghĩa là các nhà thầu quốc phòng của họ mất gần 10 tỷ USD doanh thu, một viễn cảnh có khả năng gây ra thảm họa cho nhiều người, trong khi lệnh cấm vận vũ khí có thể làm tê liệt sức mạnh của quân đội nước này.
Nguy cơ sẽ càng trở nên tồi tệ hơn sau quyết định thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ngoài khơi đảo Síp làm thúc đẩy các lệnh trừng phạt của EU mới đây. Theo chuyên gia Ciddi, mặc dù hành động thăm dò của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được coi là hợp lệ, nhưng một bước đi như vậy bị cáo buộc là thù địch và hiếu chiến.
Với cuộc khủng hoảng song phương Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng sâu rộng, rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tin tưởng Mỹ làm trung gian nếu xảy ra xung đột bất ngờ.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bị trục xuất khỏi NATO, nhưng có khả năng sẽ bị loại khỏi các chương trình, nhiệm vụ và nền tảng tình báo quan trọng của NATO, vì việc triển khai S-400 là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh hoạt động của liên minh này.
Trong khi đó, Mỹ có thể tìm cách can ngăn các quốc gia khác quan tâm đến S-400, như Ai Cập và Trung Quốc, bằng việc lấy trường hợp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ ra làm ví dụ.
Chuyên gia Ciddi cho biết, sự mất lòng tin giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là điều thật sự đang diễn ra và sẽ khó có thể hàn gắn lại dưới kỳ hình thức thực tế nào. “Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng giờ đây là việc liệu S-400 có thực sự đưa vào hoạt động hay không”, ông cho biết.