Một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị Trung ương 7 khóa XII cho ý kiến là Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Báo Người Đưa Tin trân trọng giới thiệu bài viết của ĐBQH Trần Thị Hằng phân tích, đánh giá các giải pháp nhằm thúc đẩy chính sách BHXH, đảm bảo an sinh xã hội.
Doanh nghiệp trốn đóng BHXH còn diễn biến phức tạp
Trong những năm qua, người sử dụng lao động (NSDLĐ) đã thực hiện ngày càng tốt hơn trách nhiệm của mình trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); trong đó có trách nhiệm đóng quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Điều này trước hết thể hiện ở số NLĐ được tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngày một gia tăng, cùng với đó là số thu quỹ tương ứng có xu hướng tăng đáng kể.
Trên phạm vi toàn quốc, tính đến hết 31/12/2017 tổng số người tham gia BHXH đạt 13,9 triệu người (trong đó BHXH bắt buộc là 13,6 triệu) tăng hơn 2,3 lần so với thời điểm luật BHXH có hiệu lực (1/1/2017).
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đáng khích lệ, việc thực hiện trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ của NSDLĐ cũng tồn tại một số hạn chế. Đáng nói là tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động. Tính đến 31/12/2017, số nợ BHXH bắt buộc phải tính lãi là 5.737 tỷ đồng, chiếm 2,9% so với số phải thu. Số nợ BHXH bắt buộc vẫn tập trung nhiều ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước (6,3%) và doanh nghiệp ngoài quốc doanh (6,02%). Trong đó, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng nợ cao nhất với số tiền nợ là 3.712 tỷ đồng (65% tổng số nợ).
Đảm bảo quyền lợi về BHXH cho người lao động là yếu tố quan trọng quyết định sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động là thực hiện nghĩa vụ, làm tròn trách nhiệm, thể hiện mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Bên cạnh đó, từ 1/1/2018, quy định về xử lý hình sự đối với tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động tại Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành. Đây cũng là một chế tài mạnh để doanh nghiệp chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT.
Để xử lý triệt để tình trạng này, doanh nghiệp cần kịp thời báo tăng, giảm số lao động, tiền lương tham gia BHXH, BHYT của người lao động cho cơ quan BHXH khi có biến động; làm thủ tục chốt sổ, trả sổ BHXH cho người lao động kịp thời khi chấm dứt HĐLĐ.
Khi tiếp nhận hồ sơ hưởng chế độ từ người lao động cần thẩm định chặt chẽ, lập hồ sơ giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động đảm bảo đầy đủ nội dung, đúng thời gian quy định để cơ quan BHXH giải quyết kịp thời cho người lao động.
Cùng với hoàn thiện quy định pháp luật để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về trách nhiệm của NSDLĐ trong việc đóng góp quỹ BHXH, BHYT, BHTN, các cơ quan chức năng cũng như cá nhân, tổ chức có liên quan cần thực hiện nhiều biện pháp như tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của NSDLĐ, hiểu biết pháp luật của NLĐ; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; nâng cao vai trò của công đoàn trong việc giám sát, phối hợp thực hiện với NSDLĐ các trách nhiệm trong BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị sử dụng lao động, đặc biệt đối với các đơn vị sử dụng có các hành vi vi phạm kéo dài.
Nếu thực hiện được một cách đồng bộ và hiệu quả các giải pháp trên, trách nhiệm của NSDLĐ trong việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT sẽ được nâng cao, qua đó đảm bảo tốt hơn quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ, góp phần nâng cao chất lượng an sinh xã hội.
Cần tập trung nâng cao chất lượng an sinh xã hội
Thách thức lớn nhất đối với hệ thống chính trị hiện nay là mở rộng diện bao phủ BHXH theo như mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020”. Theo đó, mục tiêu Bộ Chính trị đặt ra là đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, tương đương 28 triệu người (hiện đến hết năm 2017, toàn quốc mới đạt 13,9 triệu người).
Để đạt được mục tiêu này, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách BHXH theo hướng gắn quyền lợi đi đôi với trách nhiệm, từng bước tiệm cận với nguyên tắc đóng - hưởng, mở rộng diện bao phủ BHXH.
Đẩy mạnh công tác truyền thông theo chiều sâu và gắn với công tác phát triển đối tượng. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện pháp luật BHXH tại tất cả các cấp.
BHXH Việt Nam cần chủ động nghiên cứu phối hợp với các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách BHXH cho phù hợp với thực tiễn theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng;
Đẩy nhanh tiến độ liên thông cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu cấp giấy tờ, hồ sơ làm căn cứ hưởng BHXH, BHYT của các cơ sở khám chữa bệnh, Hội đồng giám định y khoa; cơ sở dữ liệu về quản lý dân cư; cơ sở dữ liệu về quản lý lao động, quản lý doanh nghiệp, quản lý thuế, đào tạo nghề, an toàn vệ sinh lao động, giải quyết chế độ BHTN, hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN... tạo điều kiện cho việc loại bỏ các thành phần hồ sơ làm căn cứ hưởng các chế độ BHXH, BHYT.
Đối với BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cần chủ động tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh các giải pháp tổng thể để đẩy nhanh tiến độ mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT trên địa bàn.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật BHXH, BHTN, BHYT, trình tự, thủ tục tham gia và thụ hưởng chế độ để người dân, doanh nghiệp thấy rõ lợi ích, trách nhiệm của việc tham gia và thuận lợi trong thực hiện thủ tục BHXH, BHTN, BHYT; chú trọng tuyên truyền những quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Chủ động, thường xuyên phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, cơ quan đăng ký doanh nghiệp, cơ quan cấp giấy chứng nhận hoạt động, cấp giấy phép hoạt động và cơ quan thuế trên địa bàn nắm bắt số lượng lao động, biến động lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc để nắm bắt chính xác đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc làm căn cứ cho việc xác định đối tượng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đóng BHXH, BHTN, BHYT.
Tiếp tục rà soát, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu tham gia BHXH, BHTN, BHYT làm cơ sở cho việc ứng dụng triệt để CNTT trong giải quyết và chi trả chế độ cho người lao động, góp phần đẩy nhanh tiến độ cải cách thủ tục hành chính.
Chỉ đạo các đại lý thu BHXH, BHYT niêm yết biển hiệu, chỉ dẫn công khai địa chỉ, cách thức thực hiện các thủ tục thu, nộp BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện; bám sát địa bàn để tuyên truyền, vận động người dân tham gia.
Đối với cấp ủy đảng, chính quyền các ngành, các cấp: Cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đúng, đầy đủ hơn các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 21- NQ/TW. Xác định rõ tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tập trung rà soát, nắm chắc số liệu các nhóm đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Đưa chỉ tiêu giao thực hiện BHXH, BHTN vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hàng năm; xây dựng kế hoạch khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN, BHYT; đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao trên 3 tiêu chí: Phát triển đối tượng, số tiền thu, giảm nợ đọng dưới mức quy định.
Các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm túc Quy chế, chương trình do sở, ngành, đơn vị đã ký kết; triển khai kịp thời, đầy đủ các quy định của luật BHXH, luật BHYT sửa đổi, bổ sung và giải quyết kịp thời những phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chú trọng quản lý tốt đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN từ cơ sở.
Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác quản lý Nhà nước về BHXH, BHYT thông qua các giải pháp như: Đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia; thực hiện minh bạch, công khai và tăng cường quản lý các hoạt động KCB để hạn chế, ngăn chặn lạm dụng quỹ BHYT;
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ tiền và các hành vi tiêu cực, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi BHXH, BHYT. Có biện pháp mạnh đối với các đơn vị nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Kiên quyết xử lý nghiêm, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự nhóm tội phạm về BHXH, BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.
ĐBQH Trần Thị Hằng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.