“Sách lịch sử dạy học trò sai nhiều lắm. Nhiều đến mức tôi phát xấu hổ, không đọc nổi. Người ta nhờ tôi nhận xét, nhưng nhiều lỗi quá thì làm sao mà chấp nhận được. Có thể nói, sách giáo khoa phổ thông viết sử rất tào lao, tầm bậy, mắc lỗi rất nhiều, sai từ nhỏ đến lớn. Nhất là bậc phổ thông cơ sở trở lên, đụng đâu sai đó”- ông nói.
Nỗi lo “sai lâu mặc nhiên thành đúng”
Nhà sử học này đã không thể kể ra hết những lỗi thường gặp, đơn giản vì... quá nhiều lỗi. Nhưng điều ông quan tâm trước tiên chính là nỗi lo nếu “sai lâu ngày sẽ mặc nhiên thành đúng”. Ông cũng từng có bài viết chỉ ra những cái sai này, nhưng hầu như bị chìm trong quên lãng.
“Ví dụ, nếu cắm mốc ở Năm Căn thì chẳng lẽ ta quên hết biển đảo ở xung quanh mũi Cà Mau hay sao? Nơi cắm cột mốc phải là nơi giáp ranh giữa nước này, nước kia, mà tại sao chúng ta không công khai những vị trí, địa điểm cụ thể từng nơi một để cắm mốc?” - ông nói.
Tương tự, mới đây, không ít NXB đã bị kiểm thảo vì in sách tham khảo và các loại sách khác sử dụng minh họa bản đồ quốc gia thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đến đây thì chuyện sai sót trong sách sử giáo khoa không nằm trong giới hạn trường học nữa rồi.
Nói như thế để thấy là nhiều sai sót trong sách giáo khoa, trong sách tham khảo, nhưng người học thì không phải ai cũng phát hiện ra. Sách giáo khoa thì còn có cơ hội đính chính, bổ sung, sửa chữa, nhưng loại sách tham khảo do các công ty liên kết xuất bản thì gần như không kiểm soát nổi.
Mới đây, một học sinh lớp 3 ở quận Tân Bình (TPHCM) phát hiện ra kiến thức lịch sử bị sai lệch trong vở luyện từ và câu lớp 3, tập 2. Trong cuốn vở in chữ sẵn để học sinh luyện chính tả, thì ở trang 5 có đoạn nhầm lẫn lớn giữa hai danh nhân lịch sử - Ngô Quyền và Lý Thường Kiệt. Em học sinh đã thắc mắc vì sao ở đây có chuyện “Lý Thường Kiệt dùng kế chôn cọc gỗ đầu bịt sắt nhọn dưới sông Bạch Đằng” để... tiêu diệt quân Nam Hán (!?).
Trong bìa cánh của 2 tập “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn.
Đây là loại sách được nhà trường mua rồi phát cho học sinh. Cuốn vở này do NXB Hà Nội phát hành, in tại Cty CP in và vật tư Hải Dương, nộp lưu chiểu tháng 5.2012. Nhóm tác giả biên soạn gồm: Lê Ngọc Điệp (chủ biên), Lê Hữu Tỉnh, Xuân Thị Nguyệt Hà, Nguyễn Trí Dũng và Mai Nhị Hà. Cho dù đối tác thanh minh thế nào, thì chuyện nhầm lẫn hài hước này là một cái tát với những người yêu sử nước nhà.
Hiếm thấy lời xin lỗi
Viết sai, nhưng việc có lời xin lỗi đối với độc giả, học sinh và cộng đồng xã hội lại rất hiếm khi xảy ra. Mà khi xin lỗi rồi, nhiều người vẫn né trách nhiệm xử lý tiếp theo, thường đổ tội cho đơn vị liên kết (còn NXB cấp giấy phép thì không phải chịu trách nhiệm gì).
Một chuyện khá hy hữu nữa là vừa qua, dư luận râm ran khi độc giả phát hiện ra hai NXB (Trẻ và Hồng Bàng) in nhầm hình của Lê Quý Đôn thành ra Nguyễn Trãi trong bìa cánh của 2 tập “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn. Mặc dù NXB đã thu hồi để chỉnh sửa, nhưng vẫn để lọt khoảng 40 cuốn ra thị trường.
Vậy nên, độc giả còn phát hiện thêm tên dịch giả bị in sai. NXB Trẻ đã có động thái xin lỗi độc giả và coi đó là tai nạn nghề nghiệp: “Lỗi sai này cực kỳ nghiêm trọng, chúng tôi thật lấy làm xấu hổ về điều này. Ban giám đốc NXB Trẻ và toàn thể nhân viên cúi đầu nhận lỗi và xin lỗi bạn đọc”. Họ cũng đã thu hồi sách để chỉnh sửa, cũng như hoàn trả lại tiền cho độc giả nào lỡ mua sách sai.
Tuy nhiên, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần nhận định, bản dịch tập “Kiến văn tiểu lục” nói trên cũng nhiều lỗi sai, chưa hoàn chỉnh, trong khi có những bộ sách toàn tập về Lê Quý Đôn hoàn chỉnh khác mà sao các NXB lại không tái bản. (Đặc biệt, chính ông đã biên dịch, chú giải trọn bộ “Lê Quý Đôn tuyển tập” một cách xuất sắc và từng đoạt giải thưởng cũng như được trao kỷ lục về người có tác phẩm dịch đồ sộ và có giá trị lịch sử nhất - NV).
Có thể, các NXB và các đối tác liên kết chỉ muốn in lại bản dịch của những tác giả đã mất để giảm phí trả tác quyền. Nhưng họ lại quên mất một điều - đó là chất lượng tác phẩm chưa được kiểm chứng sau một thời gian dài.
Hoặc giả, “đổi tên” tác giả biên dịch thì con cháu chẳng ai còn biết mà đến nhận nhuận bút. Hơn thế nữa, nguyên nhân có nhiều sai sót trong sách sử giáo khoa nói riêng và sách sử nói chung- cũng theo ông Thuần, là vì người tổ chức biên soạn đã trao nhầm đề tài cho những người không đủ năng lực, dù có thể họ có những chức danh như TS, PGS...
Theo Lao động