Những lần thi gan với kẻ thù
Sau khi lắng nghe câu chuyện từ những hướng dẫn viên du lịch của địa đạo, chúng tôi đặt vấn đề muốn được gặp lại những con người đã làm nên kỳ tích này. Ngay lập tức, cô hướng dẫn viên tận tình giới thiệu chúng tôi tới gặp ông Lê Xuân Vy. Ông Vy nguyên là đồn trưởng đồn công an vũ trang 140 Vịnh Mốc những năm 1966 - 1967, nguyên chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Ông là một trong những người đầu tiên góp công làm nên địa đạo huyền thoại Vịnh Mốc.
Căn nhà của ông Vy nằm sâu trong ngõ nhỏ nhưng không khó để chúng tôi tìm đến. Bởi lẽ từ trước tới nay, cái tên của ông như gắn liền với mảnh đất lịch sử này nên người dân nơi đây ai cũng cảm phục và biết đến. Trong căn nhà nhỏ, tiếp chuyện chúng tôi là một người đàn ông khá cao lớn có nước da ngăm đen. Năm nay, ông đã 83 tuổi. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn khá nhanh nhẹn và minh mẫn. Duy chỉ có đôi mắt đã bị mờ hẳn vì ảnh hưởng bởi vết thương trong một lần trực tiếp đi khảo sát chiến trường năm 1972.
Một cổng xuống địa đạo Vịnh Mốc.
Gặp chúng tôi, có dịp kể lại những chiến công oanh liệt thời trai trẻ nơi địa đạo huyền thoại, ông Vy càng hứng khởi và liền mạch ôn lại ký ức xưa. Ông vốn sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Lớn lên, chàng thanh niên này theo chúng bạn đi tham gia các hoạt động chống lại sự nhũng nhiễu của lính Pháp. Lần tìm ngón tay đến bàn chân phải, ông chỉ vào vị trí ngón chân giữa và nói, đó chính là "chiến tích" trong một lần thi gan không nộp thuế thân cho giặc Pháp. Ông kể lại: "Ngày đó, ở quận Hải Lăng (Quảng Trị), giặc Pháp ráo riết thu tiền thuế của dân. Vì gia đình thiếu tiền không có gì để nộp nên bọn giặc chửi mắng và hùng hổ đánh đập tôi và những người dân cùng cảnh ngộ. Ấm ức vì không lấy được tiền, chúng tìm mọi cách để gây đau đớn cho người dân lương thiện. Những hình thức mà chúng tra tấn chẳng khác gì thời Trung cổ. Nhiều người không có sức khỏe đã mất mạng vì đòn tra tấn ấy". Về phần ông Vy, ông bị giặc Pháp cho người buộc dây thép vào ngón chân giữa và treo ngược lên trần nhà. Sức nặng của cơ thể đã khiến ngón chân bị đứt lìa. Ông mất rất nhiều máu và phải mất một thời gian dài mới hồi phục lại được sức khỏe.
Càng bị giặc Pháp đàn áp, ông càng thấm thía nỗi khổ của nhân dân và nuôi ý chí đi theo cách mạng để giành lại quyền độc lập cho đồng bào, dân tộc mình. Ông tích cực tham gia các hoạt động chiến đấu của địa phương. Trong một lần không may bị giặc bắt, ông Vy đã bị đưa ra biển. Lúc đó, ông đoán là mình và 6 người anh em khác sẽ bị chúng bắn chết giữa biển để làm mồi cho cá. Ngay sau khi chúng giương súng bắn chết một người trong đội dân quân du kích xã, ông liều mình nhảy xuống biển. Khi ngụp mình sâu dưới mặt nước biển, ông vẫn cảm nhận được hàng trăm viên đạn bắn xối xả theo sau. Lần đó, ông may mắn thoát nạn. Sau này ngẫm lại, ông Vy vẫn nghĩ rằng, đó là quyết định sáng suốt. Nhảy xuống biển dù sao vẫn còn cơ hội sống. Và, cái cơ hội sống đó đã giúp ông viết lên những kỳ tích nơi vùng đất thép.
Ông Lê Xuân Vy.
Người kiến tạo lòng đất
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, quãng thời gian ông nhớ nhất là những năm tháng cuộc sống gắn liền với địa đạo Vịnh Mốc. Ông được mệnh danh là người anh hùng kiến tạo ngôi làng trong lòng đất huyền thoại. Nhìn lại công trình địa đạo lịch sử góp phần quan trọng vào chiến công của nhân dân Vĩnh Linh, không ai lại nghĩ rằng, nó được kiến tạo từ một người mới chỉ học hết tiểu học.
Theo lời kể của ông Vy, công trình được bắt đầu từ đầu năm 1965 và được hoàn thành vào ngày 18/02/1966. Vịnh Mốc là một địa đạo lớn nhất trong số 114 địa đạo trên mảnh đất Vĩnh Linh với tổng chiều dài các địa đạo lên đến hơn 40km trong lòng đất, cộng với 2.100km giao thông hào, gần 4 triệu m3 đất đào đắp. Đã hơn 40 năm trôi qua nhưng ông Vy vẫn nhớ như in từng chi tiết về những ngày tháng gian khó đó. Kể lại việc đào địa đạo, ông Vy cho biết, phương tiện kỹ thuật "hiện đại" nhất để ông lấy căn cứ đào địa đạo chính là một chiếc la bàn cũ kỹ. Nhiều người nghi ngại, làm sao có thể đào địa đạo khi địa hình ở dưới lòng đất tối om và không lấy gì làm căn cứ định hình được. Suy nghĩ một hồi lâu, ông Vy mới nghĩ ra cách đánh dấu bằng nến.
Sau khi cho anh em đào thăm dò trước một đường nhỏ, ông cho đặt 3 cây đèn hay ba ngọn đuốc theo một đường thẳng. Anh em cứ căn vào đó để đào địa đạo là thẳng và có thể cho các đường móc nối với nhau đúng hướng. Quá trình đào địa đạo thiếu thốn rất nhiều thứ. Công cụ lao động chỉ là những đồ vật thô sơ như cuốc xẻng, quang gánh. Lúc ấy, ở dưới lòng đất, anh em vẫn đang đào địa đạo nhưng phía trên đầu vẫn hứng chịu bom đạn của kẻ thù. Trong lúc đào bới, hầu hết các đơn vị thắp đèn dầu, đuốc tre... Khi ấy, oxy trong lòng địa đạo thiếu trầm trọng, khói của chiếc đèn dầu khiến không ít người ngạt thở. Khó khăn gian khổ là vậy, nhưng với quyết tâm "một tấc không đi một ly không dời", quyết bám đất, giữ làng sản xuất và chiến đấu làm tròn nhiệm vụ tiếp tế bảo vệ đảo Cồn Cỏ và chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam ruột thịt, nhân dân xã Vĩnh Thạch đã làm nên kỳ tích dưới lòng đất sau hơn một năm kiên trì xây dựng. "Theo lời Bác Hồ dạy "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", anh em tiếp tục học hỏi những cách làm nhanh và cùng nhau hiến mưu, hiến kế, đào địa đạo. Không có đèn dầu, thiếu đèn pin, ta chẻ tre làm đuốc chiếu sáng. Thiếu cuốc xẻng, ta lấy vỏ bom đạn thay thế... để đào sao cho thật nhanh, thật chuẩn", ông Vy chia sẻ.
Lo cho người dân Vĩnh Thạch có chỗ ở tránh bom đạn, ông Vy lại trăn trở về cái ăn dưới lòng đất. Không thể cất giữ số gạo ít ỏi dưới lòng đất vì độ ẩm cao sẽ làm gạo dễ bị mốc, ông Vy nghĩ ra cách đào hầm chứa gạo gần trên mặt đất nhưng ngụy trang kỹ, không để địch phát hiện. Để gạo trên cao cũng tránh được việc các gia đình phải mất thời gian di chuyển để đi lấy gạo nấu cơm. Bởi vì, họ chỉ cần đặt các ống cao su dẫn chảy về các bếp. Mỗi ống dẫn gạo dài 9m, mỗi lần mở van có thể chảy vào được 2 tạ gạo. Mỗi lần nấu cơm chỉ việc mở vòi ra cho gạo chảy vào nồi. Khi nấu ăn trong địa đạo cần tránh tình trạng khói bốc lên, nên ông Vy đã tìm cách để khói tỏa ra các giao thông hào và lấp lá cây ở trên. Ông hướng dẫn mọi người dùng các ống nhỏ để khói tản mát. Phát kiến ấy được xem là đã cứu sống cho biết bao con người dưới lòng đất trong những ngày tháng cam go mà oanh liệt trong cuộc chiến tranh giữ nước vùng đất lửa Quảng Trị.
Những người đón Tết dưới lòng đất Kể về việc đón Tết Nguyên đán trong lòng địa đạo, ông Vy bồi hồi xúc động. Ông nói, kẻ thù thì đâu có cần biết ngày Tết là gì. Thậm chí, những ngày ấy, chúng còn dội bom ác liệt hơn. Khi đó, bà con sinh sống dưới địa đạo cũng chỉ biết trao nhau những lời chúc may mắn, cùng nhau ước mơ về ngày chiến thắng của dân tộc - ngày Tết độc lập. Với phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ, hòa bình lập lại, ông Lê Xuân Vy còn hoạt động tích cực trong hội Người mù tỉnh Quảng Trị. Ông đã tìm mọi cách để tạo công ăn việc làm cho các hội viên, đồng thời tích cực kêu gọi từ thiện để hỗ trợ cho các hoạt động của hội. |
HỒNG DƯƠNG