Kiếp mưu sinh trên bãi rác Đồng Ngo

Kiếp mưu sinh trên bãi rác Đồng Ngo

Thứ 7, 26/10/2013 11:08

Bất kể ngày đêm, không ngại mùi hôi thối, hàng trăm người vẫn lầm lũi, cặm cụi mưu sinh trên bãi rác Đồng Ngo. Những thứ kiếm được nơi đây dù chỉ là một vỏ lon sữa, mấy tấm bìa carton, vài ba mẩu sắt vụn, một hai chai nhựa đã cũ… cũng đủ để họ trang trải cuộc sống.

Nỗi niềm người nhặt rác

Bãi rác Đồng Ngo nằm trên nút giao thông quốc lộ 18 - Bắc Ninh giao với quốc lộ 1A (thuộc địa phận phường Đại Phúc thành phố Bắc Ninh), nhiều năm trở lại đây, bãi rác là địa bàn được nhiều người thu lượm phế thải lui tới.

Mỗi lần đi qua khu vực bãi rác, mọi người dễ dàng phát hiện những bóng người nhấp nhô đang đào bới, tìm kiếm phế thải trên các núi rác khổng lồ. Trung bình mỗi ngày có cả trăm lượt người nhặt rác tại nơi đây, họ đến từ nhiều vùng khác nhau trên địa bàn tỉnh, thậm chí có những người ở tận Bắc Giang cũng về bãi rác kiếm sống.

Vào mỗi buổi sáng sớm, cả bãi rác giống như một công trường với những hàng người đang làm việc hăng say. Trong đó hầu hết là phụ nữ, khuôn mặt rám nắng, quần áo vấy bẩn, lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Đồ bảo hộ của họ chỉ là những đôi bao tay mỏng dính, một số người chỉ mang đôi dép xốp để nhặt rác. Trong khi đó, dưới chân họ là từng đống kim tiêm lổm nhổm luôn chực chờ đâm người.

Cứ xe chở rác đến là mọi người lại đua nhau chạy. Người đứng trước đầu, người đứng sau đuôi, người đứng trên bãi rác dốc dựng đứng hết sức nguy hiểm. Họ vồ vập đào bới, nhặt nhạnh bất kể thứ gì có thể bán lấy tiền.

Trên khuôn mặt đen sạm vì nắng nóng, cô Nguyễn Thị Tuyết người nhặt rác lâu năm tại đây cho biết: “Gần chục năm nay cả nhà tôi kiếm sống bằng nghề nhặt phế liệu, lâu dần thành quen, bây giờ mà không đi nhặt rác thì cũng chẳng biết làm nghề gì nữa. Nhưng bây giờ, số người nhặt rác ngày càng tăng lên, cả những người ở mãi tận Bắc Giang cũng về đây kiếm sống. Chúng tôi phải san sẻ bát cơm cho những người cùng cảnh ngộ”.

Xã hội - Kiếp mưu sinh trên bãi rác Đồng Ngo

Hôm nào chị Hồng cũng phải đi từ tờ mờ sáng để đến bãi rác Đồng Ngo kiếm sống

Chị Bùi Thị Hồng năm nay hơn 40 tuổi, với làn da vàng, đôi mắt lõm sâu và hốc hác, nom thật yếu ớt. Tờ mờ 4 giờ sáng, chị đã phải cơm nắm muối đùm cọc cạch chiếc xe đạp từ Yên Phong vượt hơn 9km đến bãi rác Đồng Ngo này.

Chị vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về phận đời gắn mình với rác: “Tôi theo nghề thu lượm phế thải cũng đã được hơn 5 năm nay. Nhà có 3 đứa con đang tuổi ăn học, kinh tế chính chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng mùa được, mùa mất. Khi hai đứa con lớn đỗ đại học cũng là lúc vợ chồng tôi phải cắm đầu cắm cổ làm thuê, làm mướn. Mình thất học đã đành, nhưng chúng thì không thể được. Chồng làm nghề phụ hồ, còn tôi thì đi nhặt rác, việc học hành của các con tốn kém, nai lưng vất vả nhưng cũng chẳng xoay sở nổi. 3 năm nay tôi lạibmắc bệnh thận, sức khỏe giảm sút nhiều. May mắn lắm thì có ngày cũng dành dụm được trăm hơn trăm kém, chứ bình thường ra chỉ được vài chục nghìn. Chỉ mong các con biết cái công của bố mẹ mà tu chí học hành”.

Mặt trời đứng bóng, khi xe rác ngừng hoạt động thì cũng là lúc những người nhặt rác nghỉ tay. Họ lại kéo nhau về ngôi lán được dựng tạm bợ ngay trên bãi rác khổng lồ. Rũ bỏ hết những đồ nghề, nào mũ, nào găng tay, nào ủng … họ mang cơm ra ngồi ăn một cách ngon lành giữa bốn bề là rác. Mặc cho ruồi nhặng, mặc cho đôi bàn tay vừa cào rác mới rửa vội chưa sạch. Cứ thế họ ăn ngon lành, ngấu nghiến . Bữa cơm đạm bac chỉ là muối vừng, sang hơn thì có thêm hộp canh uống cho dễ nuốt. Họ ăn thật nhanh để rồi lại bắt tay vào công việc đào bới phế liệu.

Xã hội - Kiếp mưu sinh trên bãi rác Đồng Ngo (Hình 2).

"Ngày nào không đi nhặt rác được là ngày đó không có tiền mua gạo"

Ô nhiễm, dịch bệnh nhưng vẫn bám nghề

Mặc dù vẫn biết nguy hiểm, bệnh tật luôn rình rập, nhưng vì gánh nặng mưu sinh nên  những người nhặt rác chỉ biết nhắm mắt chấp nhận tất cả. Anh Quân chia sẻ: “Nhiều hôm  bới rác bị mảnh sành cứa xể chân, nhưng vẫn phải cố gắng hôm sau đi làm, ngày nào không đi nhặt rác được là ngày đó không có tiền mua gạo”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Quân kể rằng, cách đây vài năm có một phụ nữ trong lúc đào bới rác đã dẫm phải một cái đinh đâm thủng chân. Không may  bị vi trùng uốn ván và liệt một bên tay. Tưởng rằng cô sẽ từ bỏ cái nghề “hôi hám” này đi nhưng một thời gian sau, mọi người lại thấy cô lầm lũi tới bãi rác kiếm sống. Người tàn tật như cô chẳng biết làm gì đành trở lại nhặt rác cho qua ngày.

Dẫu sao, bãi rác Đồng Ngo cũng là sinh kế giúp họ tồn tại. Tai nạn hay dịch bệnh cũng chỉ khiến họ đề phòng hơn trong chứ không thể ép họ bỏ nghề.

UBND tỉnh Bắc Ninh đã có phương án xóa sổ bãi rác Đồng Ngo, hàng trăm hộ dân nơi đây sẽ được giải thoát khỏi ô nhiễm, dịch bệnh. Nhưng có lẽ đó sẽ là tin buồn cho những kiếp người mưu sinh trên núi rác khổng lồ này. Đối với họ nhặt rác đã là cuộc sống, là tương lai, là hi vọng chắp cánh ước mơ cho các con ăn học…

Sơn Tùng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.