Kiếp thương hồ "chở" xuân về phố

Kiếp thương hồ "chở" xuân về phố

Nguyễn Thị Ngọc Lài

Nguyễn Thị Ngọc Lài

Thứ 5, 31/01/2019 14:30

Sau nhiều giờ lênh đênh sông nước, họ - những thương hồ "gia truyền" từ các tỉnh miền Tây cập ghe tàu vào Bến Bình Đông để chuyên chở nào hoa, nào trái của miệt vườn đến với phố thị Sài thành.

Kiếp thương hồ chở Xuân về phố

Clip: Kiếp thương hồ "chở" xuân về phố

Chông chênh đi "ch" Xuân v ph

4h chiều 25 tháng Chạp, Bến Bình Đông (quận 8, TP.HCM) có hơn 20 ghe tàu cập bến để bán hoa trái Tết. Chốc lát, vài chiếc ghe khác hối hả đánh lái vào sát bờ rồi khệ nệ bưng bê từng chậu mai vàng, tắc kiểng, vạn thọ, hoa giấy… lên bờ.

Dân sinh - Kiếp thương hồ 'chở' xuân về phố

Chiều 25 tháng Chạp, Bến Bình Đông có hơn 20 ghe tàu cập bến để bán hoa trái Tết.

“Sao năm nay lên trễ vậy anh Tư?”, một người đàn ông đứng trên bờ kênh nói vọng ra xa, tay chờ chụp lấy dây neo của một chiếc ghe sắp cập bến. Mấy thanh niên và người đàn ông tóc bạc trên chiếc ghe này cố nở nụ cười đáp lại: “Tính không lên rồi chớ, nhớ bến nhớ mấy ông nên mới lên”.

Vậy là, một chiếc ghe đầy ắp mai vàng lại cập Bến Bình Đông, mang xuân từ các tỉnh miền Tây tô điểm, len lỏi vào xô bồ của phố thị. Mấy ai biết, tuổi của chợ hoa Tết Bến Bình Đông này chẳng kém mấy so với tuổi của Sài Gòn – Gia Định. Cái thuở tấp nập xa xưa “trên bến dưới thuyền”, giờ nhường chỗ cho những bờ kè bê tông có rào chắn ngăn cách. Mỗi năm tàu thuyền tìm về dịp Tết lại thưa dần, những thương hồ còn bám trụ là bởi họ quá đỗi yêu sông nước và không khí nhộn nhịp mỗi lần cập bến phố thị.

Dân sinh - Kiếp thương hồ 'chở' xuân về phố (Hình 2).

Một chiếc ghe đầy ắp mai vàng lại cập Bến Bình Đông.

Ngồi nhìn những chậu mai vàng đang bung hoa, bà Bảy Thảo (quê ở tỉnh Bến Tre) chậm rãi chia sẻ: “Tôi vừa cập bến sau ngày đưa ông Táo về trời. Ghe này tôi thuê với giá trọn gói 10 triệu đồng. Nhưng tính chi phí đi lại, bến bãi và những thứ phát sinh khác, mỗi chuyến đi như vậy, tôi mất khoảng 30 triệu đồng”.

Dù chi phí khá lớn nhưng bà Thảo cũng không dám chắc chuyến đi này sẽ có lãi hay không. Điều này khiến bà lo lắng có thể Tết năm nay sẽ không đủ đầy. Bà nói: “Tính sơ sơ, chi phí nhiều vậy đó nhưng cũng không chắc sẽ có lời. Năm nay, tôi chỉ chở hoa lên bằng phân nửa năm trước. Tuy nhiên, từ sáng đến giờ, tôi chỉ mới bán được 1 cây mai bonsai thôi”.

Khó khăn là thế nhưng năm nào hai vợ chồng bà Thảo cũng thuê ghe, chuyên chở hoa Tết về Bến Bình Đông. Bà nói: “Chắc do quen rồi, làm riết gần 20 năm, giờ không đi nữa thấy thiếu thiếu sao đâu. Mà dù có bán được hay không, hai vợ chồng già cũng trả bến vào trưa 30 Tết, lên ghe về Bến Tre đón Tết với gia đình”.

Dân sinh - Kiếp thương hồ 'chở' xuân về phố (Hình 3).

Bỏ ra chi phí lớn nhưng người phụ nữ này chưa biết việc buôn bán sẽ lỗ hay lời.

Cùng hoàn cảnh, ông Tám, một thương hồ chuyên chở khế, mai chiếu thủy cảnh từ tỉnh Bến Tre cho biết, ông cập bến Bình Đông từ sớm nhưng vẫn rơi vào tình trạng ế ẩm. Những gốc mai chiếu thủy, khế cảnh được tạo dáng đẹp, bắt mắt, cổ kính nhưng người mua vẫn kén chọn. Ông nói: “Tôi đi ghe lớn nên chi phí thuê cũng rất cao. So với mọi năm, năm nay tôi lên sớm nhưng vẫn bán chậm. Hy vọng những ngày sắp tới sức mua sẽ khá hơn”.

Theo ông, dù đi ghe mất nhiều thời gian hơn nhưng bù lại hoa, cây cảnh được bảo quản tốt hơn, chi phí cũng rẻ hơn so với việc di chuyển bằng xe tải.

Có những đứa trẻ theo cha mẹ đi ghe

Trong lúc căng dây điện thắp đèn, anh Tâm chia sẻ: “Tôi lên đây từ 20 tháng Chạp, cả nhà cùng nhau đi, rồi phân công nhau làm. Suốt gần chục ngày bán hàng ở đây, các thành viên trong nhà không lúc nào ngủ ngon giấc, cứ chia nhau canh chừng hàng hóa, ngủ quên là bị rinh mất mấy chậu mai kiểng,mai chiếu thủy. Mất vậy, coi như mất Tết”.

Dân sinh - Kiếp thương hồ 'chở' xuân về phố (Hình 4).

Một thanh niên theo gia đình lên bến bán mai.

Anh trầm tư rồi nói, lúc nhỏ, anh theo ghe cha mẹ lên Bến Bình Đông bán hoa Tết. Ghe chông chênh đầy ắp nào hoa nào trái, lướt qua những đoạn sông quê tối mù, rồi cập bến Sài thành với đèn điện sáng choang. Cái cảnh người nườm nượp, xe cộ đậu trước gian hàng mua hoa Tết khiến anh lâng lâng. Chỉ vậy thôi, anh mê mẩn hồi nào không hay.

Biết nghề làm kiểng, rồi chuyên chở hoa đi bán lắm gian nan nhưng anh Tâm vẫn bám riết, chỉ để mỗi năm tấp ghe về phố thị, được hít hà hương hoa Tết từ khắp nơi đổ về, được so cạnh coi hàng hoa nào đẹp hơn, rồi học hỏi nhau cách chăm hoa làm sao cho đẹp cho đắt giá.

Anh mê mẩn nên anh đâu nỡ cấm mấy đứa con của anh “ghiền” cái không khí chợ hoa Tết ở Bến Bình Đông. Hễ đứa nào muốn đi, vợ chồng anh đều gật đầu đồng ý. Nhưng, anh tuyệt đối không cho con nghỉ học để ở nhà làm kiểng, làm thương hồ. Anh nói: “Làm gì làm phải học hành đàng hoàng. Có thích thì làm chơi chơi thôi, chứ bám nghề này sao mà khá nổi”.

Khác với anh Tâm, ông Cấn, một thương hồ chuyên chở mai cổ thụ bằng ghe lớn ở Vĩnh Long lên, lại tỏ ra khá bận rộn khi liên tục trả lời điện thoại của khách đặt mai Tết. Ông Cấn cho hay, ông đã có bạn hàng tại TP.HCM. Mỗi năm, trước khi thuyền của ông cập Bến Bình Đông, mai của ông đã được khách đặt. Do đó, khi thuyền vừa cập bến, đã có xe chờ sẵn để chở mai đi.

Dân sinh - Kiếp thương hồ 'chở' xuân về phố (Hình 5).

Những gốc mai cổ thụ có giá khá cao.

Ông cho biết, đa số các gốc mai của ông có tuổi đời cao và dáng đẹp nên giá khá đắt. Trung bình, mỗi gốc mai tại thuyền của ông có giá từ vài chục triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng. Cá biệt, ông còn cung cấp dịch vụ cho thuê mai vào dịp Tết. Nên hẳn nhiên khi được hỏi có cho con theo nghề, ông Cấn cười sảng khoái bảo: “Tụi nó theo ghe, phụ tôi lên hàng, rồi chia nhau buôn bán. Biết làm ăn thì nghề nào cũng sống được. Năm được năm thất là chuyện hiển nhiên”.

Len lén nghe ông Cấn chia sẻ, Bảo – một cậu bé 10 tuổi, quê ở Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nằm trên võng ở gian hàng kế bên cười hồn nhiên. Bảo nhanh nhảu nói: “Con cũng theo ghe với ông bà nội lên đây bán hàng nè. Con canh vừa được nghỉ học là năn nỉ bà nội cho theo ghe. Lên đây phải ngủ võng muỗi chích quá chừng nhưng con thấy vui ghê”. Khi bị vặn hỏi thấy vui như thế nào, Bảo bẽn lẽn: “Con không biết nữa, chỉ biết là vui thôi!”.

Dân sinh - Kiếp thương hồ 'chở' xuân về phố (Hình 6).

Cậu bé tên Bảo năn nỉ bà nội cho theo ghe để bán hoa Tết.

Nói xong, Bảo lao ra khỏi võng, chạy đến bên mấy chậu hoa đồng tiền, vạn thọ… ra kiểu cũng biết chăm bẵm cây cảnh. Cách đó không xa, bà nội nhìn Bảo một cách trìu mến.

Ánh nắng nhạt dần, cũng là lúc người người đổ xô ra đường mua sắm Tết. Dưới ánh điện được thắp tạm, Bến Bình Đông lại ồn ào, náo nhiệt cảnh mua người bán. Dưới kênh, những chiếc ghe chở đầy mai vàng, tắc kiểng, dưa hấu… chồng chềnh theo từng con nước.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.