"Đừng mua thứ gì tốt quá, kẻo lại bị để ý"
Lãnh tụ Kim Jong Un “3 tuổi biết bắn súng, 8 tuổi biết lái xe” là điều được nhiều người nhắc đến khi nói về Triều Tiên. Nhưng đất nước được xem là “bí ẩn nhất thế giới” còn nhiều điều kỳ lạ hơn thế.
Khoảng 1 – 2 lần mỗi năm, chị Lim Chung Hwa, một phụ nữ Triều Tiên đã lấy chồng, sinh con và đang sống ở Trung Quốc, lại gửi về nhà khoảng 3.000 – 5.000 nhân dân tệ. Chị Lim thừa nhận: “Với số tiền này, gia đình tôi chắc hẳn phải là người giàu nhất tại Kosan (tỉnh Kangwon, Triều Tiên). Nhưng tôi đã dặn bố mẹ tôi không được tỏ ra có tiền và cứ làm ra vẻ lúc nào cũng phải quay cuồng kiếm ăn”.
Kim Yong Jun, một người đàn ông Triều Tiên đã tới Hàn Quốc từ năm 2000, hiện sống ở Buchun (Kyeong-gi), vẫn còn nhớ những gì đã xảy ra với gia đình mình sau khi “trót” sắm sửa đồ đạc.
“Cách đây cũng lâu rồi, khi tôi còn sống ở Triều Tiên, gia đình chúng tôi đã mua một chiếc ti vi đen trắng. Tổ trưởng dân phố và hàng xóm đã báo công an về chiếc ti vi của chúng tôi và gia đình tôi bị gọi lên trụ sở vài lần”, anh nói. Mặc dù sau gần 5 năm, Kim đã gửi về cho gia đình hơn 10.000 USD, song “tôi phải dặn em gái rằng đừng mua thứ gì tốt quá, kẻo lại bị để ý”.
Sống ở nước ngoài là phản bội tổ quốc?
Ở Triều Tiên, những gia đình bất ngờ trở nên giàu có hoặc tiêu xài tiền nong một cách thoải mái rất dễ trở thành đối tượng điều tra của cơ quan công an và an ninh. Không chỉ bị nhân viên các cơ quan này xuống tận nhà điều tra, họ thậm chí sẽ phải trực tiếp tới Sở Công an và trả lời hàng lô các câu hỏi kiểu như lương tháng được bao nhiêu, trước đây có bao nhiêu tiền, tiền kiếm từ đâu….
Vì thế, không ít gia đình có “của ăn của để” phải giấu tiền ở một nơi bí mật, sống một cuộc sống mà nhìn ở bên ngoài, cũng bình thường như tất cả những người xung quanh. Họ lén lút tiêu tiền nhưng không bao giờ tỏ ra rằng mình có tiền. Phần lớn số này là những gia đình "giàu ngầm" do có nguồn viện trợ của người thân ở nước ngoài.
Lim Chung Hwa kể rằng, bố chị đã kiên quyết từ chối những món tiền đầu tiên mà chị gửi về nhà. Ông nói với người thân và hàng xóm: "Nó là con gái tôi thật đấy, nhưng tôi sẽ không bao giờ thèm nhận mấy đồng tiền bẩn thỉu của cái loại phản quốc ấy đâu". Mãi sau này, không biết vì sao mà ông lão đổi ý. Giờ thì ông đã chịu nhận tiền, cũng bắt đầu tập được cách sống "giả nghèo giả khổ" và thỉnh thoảng, khi nhắc đến đứa con đang lưu lạc ở nước ngoài thì chỉ chẹp miệng "thôi thì miễn nó sống sung túc là được".
Kỹ nghệ giấu của
Theo Kim Yong Jun, “không có thứ gì là sở hữu cá nhân ở Triều Tiên”. Vì thế, những người có tài sản lớn như xe cộ hay các tài sản cá nhân có giá trị thường sẽ phải chi tiền cho một cơ quan nào đó để đăng ký xe dưới danh nghĩa“nhà nước”, đồng thời phải trả một khoản tiền thuế nhất định mỗi tháng để duy trì tài sản.
Cũng theo Kim thì ở Triều Tiên, có tiền muốn mua một căn hộ chung cư cũng không dễ, vì chúng thuộc sở hữu nhà nước. Người bán thường lách luật bằng cách nộp đơn xin trả lại nhà còn người mua thì xin cấp nhà. Sau nhiều thủ tục giấy tờ lằng nhằng thì cuối cùng căn hộ cũng có chủ mới. Để có một căn hộ 80m2, người ta phải bỏ ra một khoản tiền tương đương 3.000 USD. Nhà càng gần chợ hay khu phố buôn bán thì giá càng cao.
Theo Tri thức trẻ