Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có thống kê cụ thể nào về tài sản mà Kim Dung để lại sau khi qua đời ở tuổi 94 vào hôm 30/10. Tuy nhiên, theo các phân tích và đánh giá, đây là một con số không hề nhỏ.
Đệ nhất tiểu thuyết gia võ hiệp giàu có, quyền lực
Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung. Ông sinh năm 1924 trong một gia đình danh gia vọng tộc tại Hải Ninh, tỉnh Chiết Giang.
Đích thân vua Khang Hy từng ban tặng cho tông miếu nhà họ Tra đôi câu đối "Đường Tống dĩ lai cự tộc, Giang Nam hữu số nhân gia" nhằm ca ngợi tài năng kiệt xuất của gia tộc này.
Nhà họ Tra đất đai trải hàng nghìn mẫu, sách quý chất đầy nhà. Gia đình Kim Dung cũng có rất nhiều văn nhân nổi tiếng. Thi nhân Từ Trí Ma nổi danh một thời chính là anh họ của ông.
Cha ruột Kim Dung là một đại địa chủ từng nhận được sự giáo dục theo kiểu phương Tây. Bởi vậy, Kim Dung được lớn lên trong sự xa hoa của đời sống quý tộc từ thuở nhỏ.
Kim Dung được người ta biết đến nhiều nhất với tư cách Đệ nhất tiểu thuyết gia võ hiệp. Nhưng không chỉ có vậy, Kim Dung còn là người sáng lập tờ Minh báo nổi tiếng Hong Kong, là ông trùm báo chí được ví như Rupert Murdoch của xứ Hương Cảng về sức mạnh quyền lực.
Sau bao nỗ lực của Kim Dung, thập niên 80, Minh báo đã phát triển thành một đế chế truyền thông báo chí, số lượng phát hành lên tới 200.000 bản. Kim Dung vốn là một công tử giàu có, nhưng cũng là một văn nhân.
15 tuổi ông đã tự dùng kiến thức của mình để kiếm tiền trả học phí, tự dùng tài năng của mình kiếm việc mà không dựa vào gia sản của gia đình.
Năm 1992, lợi nhuận năm của Minh báo đạt 100 triệu HKD (khoảng 317 tỷ VNĐ).
Khối tài sản mà Kim Dung sở hữu lúc bấy giờ ước tính vào khoảng 120 triệu HKD (khoảng 357 tỷ VNĐ), xếp thứ 64 trong danh sách các đại gia giàu nhất Hong Kong.
Nhiều nguồn tin cho hay con số đó giờ đã tăng lên hàng nghìn tỷ đồng.
Thập niên 90, Kim Dung được giới báo chí xưng tụng là "Võ lâm bang chủ" của làng báo chí truyền thông Hong Kong.
Vào thời điểm Kim Dung lập ra Minh báo, tất cả vốn liếng của tờ báo này chỉ vỏn vẹn có 100.000 HKD.
Đến năm 1991 khi Minh báo lên sàn cổ phiếu, "đứa con tinh thần" của Kim Dung được định giá 870 triệu HKD (hơn 2.500 tỷ VNĐ), trong đó Kim Dung sở hữu 60%.
Năm 1992, Kim Dung quyết định bán lại Minh báo, chuyển nhượng cổ phiếu cho doanh nhân trẻ Yu Pinhai.
Theo thống kê của một tạp chí vào năm này, Kim Dung sở hữu khối tài sản 1,2 tỷ HKD (khoảng 3.572 nghìn tỷ VNĐ), xếp thứ 64 danh sách người giàu nhất Hong Kong.
Rời khỏi Minh báo, ông tập trung vào công việc sửa chữa lại các cuốn tiểu thuyết của mình. Dù vậy, ông vẫn có những khoản thu tác quyền lớn.
Đến nay, ước tính tiểu thuyết của ông đã tái bản nhiều lần, với 300 triệu bản in (không tính đến lượng lớn bản lậu) tại Trung Hoa đại lục, Hong Kong, Đài Loan, châu Á và đã được dịch ra các thứ tiếng Việt, Hàn, Nhật, Thái, Anh, Pháp, Indonesia.
Từ lâu, Kim Dung luôn được xếp ở top đầu những nhà văn có ảnh hưởng nhất đối với Văn học hiện đại Trung Quốc. Tiểu thuyết võ hiệp của ông nổi tiếng không chỉ trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc, mà còn lan ra toàn cầu.
Các tiểu thuyết của Kim Dung đồng loạt được tái bản tại Trung Quốc đại lục và mang lại cho ông khoản tiền khổng lồ.
Chỉ riêng bản quyền xuất bản sách ở Trung Quốc, nhà văn thu về 3,5 triệu NDT (CNY, khoảng 11,7 tỷ VNĐ) vào năm 2010, 2,2 triệu CNY (khoảng 9,7 tỷ VNĐ) vào năm 2011 và 8,5 triệu CNY (khoảng 25,2 tỷ VNĐ) vào năm 2015.
Ngoài ra, nhà văn Kim Dung còn có nguồn thu lớn từ việc tác phẩm được chuyển thể thành phim và game.
Hồi tháng 8/2018, tòa án yêu cầu tác giả Giang Nam của Trung Quốc bồi thường cho Kim Dung 1,88 triệu CNY (tương đương 6,3 tỷ VNĐ), vì đặt tên cho các nhân vật trong sáng tác game là Quách Tĩnh, Hoàng Dung, Kiều Phong...
Chưa hết, Kim Dung và vợ cũng khá “mát tay” trong đầu tư bất động sản.
Năm 2007, Kim Dung mua bất động sản ở Hong Kong với giá 5,58 triệu HKD (tương đương 176,4 tỷ VNĐ), đến nay giá thị trường đã tăng lên gần 12 triệu HKD (tương đương 357,2 tỷ VNĐ).
Còn bà Lâm Nhạc Di, vợ của Kim Dung, là chủ của nhiều bất động sản với tổng trị giá hơn 600 triệu HKD (tương đuoqng 1.786 tỷ VNĐ).
Con gái út sẽ được hưởng tài sản để đóng góp cho xã hội?
Người con út của Kim Dung là Tra Truyền Nột, là cô con gái mà Kim Dung thương yêu nhất.
So với anh chị em trong gia đình, cô có cuộc sống cá nhân hạnh phúc và viên mãn khi kết hôn với 1 vị bác sĩ và có 3 người con. Gia đình của cô ấm êm, hoà thuận và không có điều tiếng gì.
Con gái út Tra Truyền Nột sinh năm 1963 là một họa sĩ tài năng và rất tích cực làm từ thiện. Một số người thân cận với Kim Dung nói rằng Tra Truyền Nội là cảm hứng để Kim Dung xây dựng hình tượng Tiểu Long Nữ, một trong những nhân vật nữ nổi tiếng nhất trong tiểu thuyết của mình.
Truyền Nột là một người tích cực tham gia công tác thiện nguyện.
Năm 2008, khi trận động đất ở Tứ Xuyên xảy ra, cô là một trong những tình nguyện viên nhiệt tình, bỏ tất cả công việc để đến với những nạn nhân của trận động đất lịch sử. Năm 2012, Truyền Nột còn mở một triển lãm tranh để lấy tiền quyên góp giúp đỡ trẻ em nghèo.
Tra Truyền Nột quan niệm, tuy không được thành công như anh chị, nhưng cô luôn cảm thấy ông trời rất công bằng, bởi bù lại, Truyền Nột được ở gần cha mẹ, được làm những điều mình thích, cô hạnh phúc và hài lòng về điều đó.
Là một người sống giản dị, không phô trương, Kim Dung được cho là để lại phần nhiều của khối tài sản nghìn tỷ cho cô con gái út mà ông hết mực yêu thương.
Mặc dù không phải là người giàu có nhất nhưng Truyền Nột lại được nhiều người kính nể khi tích cực hoạt động từ thiện, xứng đáng với công dưỡng dục của ông bố nổi tiếng.
Minh Anh (tổng hợp)