Mưa trên đỉnh trời
Tôi không phải là một tín đồ của phượt (du lịch bụi bằng xe máy - PV), nhưng hễ có dịp lang thang lên rẻo cao Tây Bắc là lại muốn tầm một con ngựa sắt có gắn động cơ hạng không xoàng để khám và và chinh phục những con đèo. Lâu nay, người ta vẫn kháo nhau rằng, đã đi Tây Bắc mà không một lần ngồi xe máy vượt dốc đổ đèo, tắm tiên dưới suối, hay ngả lưng, vắt chân chữ ngũ ven đường mà thả giấc mơ hoa vào mây núi điệp trùng thì không bao giờ biết đến cái gọi là Tây Bắc của Việt Nam.
Mã Pì Lèng là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam. Bởi thế, lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, tôi đã nghĩ ngay đến đi xe máy phượt đèo như bao lớp thế hệ trẻ Việt Nam đã làm. Nếu dịch theo nghĩa đen của tiếng Mông trên Cao nguyên đá thì Mã Pì Lèng là "sống mũi ngựa". Điều đó cũng có nghĩa là, con đèo cực kỳ hùng vĩ và nguy hiểm, đến mức ngựa là động vật leo trèo ở mức tốt nhưng khi đi qua đây cũng phải bạt vía lạc hơi mà dừng chân ngơi nghỉ.
Không may cho lần đầu chinh phục đèo của tôi lại đúng vào một ngày Hà Giang chìm trong màn mưa tầm tã. Trước mặt tầm nhìn chỉ đúng 2m, người đi ngược chiều tránh nhau bằng tiếng còi xe chứ đèn phá sương cũng không thấm vào đâu. Mưa ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc khác nhiều so với mưa ở đồng bằng.
Mưa luôn kèm theo sương mù khuất tầm nhìn nên hễ mưa là mọi hoạt động của khách thập phương bị ngừng trệ. Chỉ có người Mông vẫn váy hoa xòe rực rỡ đi ô, đeo gùi sau lưng và lăm lăm con dao trên tay nhặt nhạnh tất cả những gì được gọi là sự sống ở trên đá. Họ lẫn vào với biển đá tai mèo xám xịt, nhọn hoắt.
Vì công việc đã hẹn từ trước nên dù mất gần 3 tiếng đồng hồ bò trên đoạn đường chừng 20km, với thời tiết mưa sương khuất tầm nhìn, tôi sang trung tâm huyện Mèo Vạc. Tiếc hùi hụi vì bao nhiêu cái hùng vĩ, hoang sơ của nơi gian khổ vào bậc nhất Tổ quốc này đã bị mưa làm cho mờ mịt. Nhưng không chịu khuất phục trước thiên nhiên khắc nghiệt đó, hai ngày sau, tôi chọn cung đường ngược lại Đồng Văn về TP. Hà Giang để được mục sở thị cung đèo huyền thoại.
Quả thật, không hổ danh là đệ nhất hùng quan Mã Pì Lèng, con đèo dài uốn lượn ôm vào các vách núi đá dựng đứng. Dưới vực sâu là dòng sông Nho Quế xanh mướt. Nhìn vậy thôi nhưng để chạm vào mặt nước xanh rờn ấy, người ta phải leo bộ sườn núi mất cả ngày.
Hạnh phúc phía sau cung đường huyền thoại
Anh Hoàng Tân, cán bộ văn hóa huyện Đồng Văn cho biết: "Con đèo Mã Pì Lèng đã mở ra một cuộc đời mới cho người dân hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Đặc biệt, trước khi đường đèo hoàn thành, người Mông ở Mèo Vạc hầu như bị tách biệt hẳn so với cư dân tỉnh Hà Giang, mặc dù đây là huyện có diện tích khá rộng và gần như 100% là dân tộc Mông sinh sống.
Nếu để đi từ Mèo Vạc ra phía trung tâm Hà Giang chỉ có con đường duy nhất là đường bộ xuyên núi có khi mất cả tháng trời. Bây giờ, người dân có thể đi về trong ngày cũng là ơn Đảng, ơn Bác đã khơi gợi việc mở con đèo huyền thoại này".
Cũng theo anh Tân, con đường độc đạo kết nối TP. Hà Giang với hai huyện Đồng Văn, Mèo Vạc dài khoảng gần 200km thực sự là một kỳ tích khi được hoàn thành. Đặc biệt, 20km vượt đèo Mã Pì Lèng nối hai huyện với nhau là điều kỳ diệu nhất kết tinh của sức mạnh và ý chí con người.
Con đường hạnh phúc Người ta phải gọi ngay cho nó một cái tên là "Con đường hạnh phúc" vì nơi đèo heo hút gió ấy, mỗi bước chân ta qua hôm nay là mồ hôi, nước mắt của hàng vạn thanh niên xung phong năm xưa đã cảm tử mở đường. Giờ đây, những người thanh niên ngày nào đã mất dần cùng với tuổi tác, thời gian. Tấm bia vô hồn giữa đỉnh đèo chỉ gợi lên những con số mà chưa thấm vào đâu so với những câu chuyện được viết bằng đời thực. Nhưng có lẽ hẹn một ngày khác để tìm đến họ. Và cho đến khi đặt bút viết những cảm xúc sau một lần chinh phục và khám phá một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc Việt Nam này, trong tôi vẫn còn nguyên vẹn cái cảm giác đứng ở đỉnh trời mà thả hồn cho gió cao nguyên lùa vào tận tim mình, ngắm sông Nho Quế hun hút dưới vực sâu như một sợi chỉ dài, và những dải mây bồng bềnh như đưa con người lên tiên cảnh. |
Để làm được con đường này, Đảng và Nhà Nước đã huy động hơn 2.000 nhân công từ khắp các tỉnh miền Bắc làm trong vòng 6 năm (1959 - 1965). Riêng đoạn đèo Mã Pì Lèng chỉ khoảng 20km nhưng nhân công phải làm trong vòng 9 tháng với tất cả lòng quyết tâm, nỗ lực và ý chí sắt đá của con người.
Để làm đoạn đèo nguy hiểm này, thanh niên xung phong đã phải treo mình hoàn toàn trên dây giữa các vách đá hiểm trở để thi công. Mọi hoạt động phá núi, mở đường đều bằng lao động thủ công với những công cụ thô sơ. Nửa thế kỷ qua đi, con đèo đến nay vẫn sừng sững uốn lượn như con rắn trườn qua các vách núi đá dựng đứng thách thức với thời gian. Nhiều người đến đây, đi qua đây, dừng chân ở đỉnh đèo mà trầm trồ thán phục, không tiếc lời ngợi ca.
Nhưng ít ai biết được rằng con đèo ấy không chỉ là mồ hôi, nước mắt mà còn thấm máu của cha anh đi trước, là tính mạng gửi lại với vực sâu biên viễn. Chẳng có con đường nào khi làm xong lại phải dựng ngay một nghĩa trang để tưởng nhớ những người đã hy sinh lúc mở đường như với cung đèo huyền thoại này.
Lịch sử đã từng ghi nhận đội quân cảm tử Việt Nam trên những con tàu không số mỗi lần nhổ neo là một lần các chiến sĩ dành phút mặc niệm để truy điệu... chính mình. Không nhiều người biết rằng, ở nơi Cao Nguyên đá chất đá này cũng đã từng có những buổi lễ truy điệu như thế đối với lực lượng thanh niên xung phong dũng cảm mở đường.
Khi ý nghĩ cứng rắn xuyên qua từng vách núi đá thì mọi huyền thoại đều được viết, viết một cách trọn vẹn và bi tráng. Chỉ bằng từng cái đục, khoét từ bàn tay con người tạc vào trong đá, tưởng như là việc không tưởng nhưng rồi sức người đã biến những sỏi đá kia thành huyền thoại khi khai mở thành công một con đường.
Dương Thu