"Săn"... kính cổ bọc vàng
Tôi biết đến Tuấn "râu" (vì anh có bộ ria cánh kiến rất đẹp-PV) ở Đại Từ (Hà Nội) là một tay "nghiện" đồ cổ có tiếng đất Hà thành. Tuấn khoe vừa mua thêm một chiếc kính cổ bọc vàng góp thêm vào "bộ sưu tầm thập cẩm" của mình (sưu tầm đủ món đồ cổ).
Tuấn nói, kính Lynor Amor "độc nhất vô nhị", hàng cổ "xịn" mạ vàng 18k của Pháp. Kính vẫn còn nguyên mắt chưa thay (mắt này trên thị trường không có bán, chỉ theo kính). Tuấn "râu" bảo, đây là món hàng mà dân sành chơi muốn sở hữu nhưng không phải ai cũng có được. Gã khoe mẽ: "Mắt kính miễn chê, trong vắt. Chỉ cần nhìn kính cũng thấy được… đẳng cấp!?".
Theo lời kể của Tuấn "râu", các loại kính hiện đại, sang trọng được bán khá phố biến ở Hà Nội. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người lại có xu hướng hoài cổ, thích "xài" những chiếc kính cổ mạ vàng. Họ "săn lùng" cho bằng được những chiếc kính mà mình yêu thích. Song, theo chia sẻ của Tuấn, mua được hàng "xịn" thì rất khó. Hàng ở Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc Trung Quốc. "Có những người chi tới 1.000 USD tiền môi giới mà không mua được một chiếc kính "xịn"”, Tuấn bộc bạch.
Thế nhưng, khi được hỏi về chiếc kính Amor mà anh vừa mua, Tuấn chỉ cười cười: "Giá thì vô cùng. Với người này thì đắt đỏ, với người khác lại thấy vừa túi tiền. Giá cả không quan trọng mà điều cốt lõi là tôi đã sở hữu được món đồ mình yêu thích". Tuấn "râu" khoe có một bộ sưu tập kính Solex, Amor, Rayban, Lamy… Chiếc đắt nhất mà anh sở hữu cũng đến 8.000 USD. Tuấn bảo rằng, kính Solex mắt quả trứng, Solex chữ H… là hai món đồ anh "kết" nhất. Nó độc, lạ và được mạ vàng rất tinh tế, giá mỗi chiếc kính là 9 triệu đồng.
Không chỉ anh Tuấn mới có sở thích "săn lùng" những món đồ "nhuốm màu thời gian", mà gần đây nhiều người Việt trẻ cũng rộ lên xu hướng "xài"... đồ cổ. Quốc Việt (Nghĩa Đô, Hà Nội) cho biết, cậu cũng vừa tậu chiếc kính Rayban Pillot (Mỹ) cổ, bọc vàng 12k giá 3,5 triệu đồng. Việt bảo: "Xài kính cổ có cảm giác thú vị. Trong khi giới trẻ chỉ thích thú với các mốt thời thượng thì tôi lại trở nên "lạc loài" với cặp kính mắt "cổ lỗ sĩ" nhưng rất "ngầu"”.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Th. chuyên sửa chữa, cung cấp kính mạ vàng trên phố Lê Duẩn (Hà Nội) để tìm hiểu về thú sưu tầm kính cổ mạ vạng của những tay chơi đất Hà thành. Ông Th. bật mí, đã không biết bao nhiều đời khách tìm đến cửa hàng ông để đặt mua một chiếc kính cổ mạ vàng và cũng không ít người tìm đến để sửa lại cặp kính cổ của mình.
Ông Th. bảo rằng, ai cũng muốn cặp kính mình sở hữu luôn nổi bật và thu hút mọi ánh nhìn. Có người tậu những chiếc kính thời trang, đắt tiền, nhưng có người lại thích "độ" lên từ những mẫu kính bình thường. Gu chơi của những người giàu có luôn khiến người ta thán phục và kính cổ mạ vàng là một trong những thú chơi ngông như thế của các đại gia. Có người vốn sở hữu một chiếc kính cổ, nhưng sau đó lại tìm đến đây mạ vàng hoàn toàn càng trái, càng phải, cầu giữa của kính bằng vàng 24k.
Theo lời kể của ông Th., gần 20 năm qua, ông đã bám trụ với nghề sửa kính. Sau này, ông cũng kiêm luôn mua bán kính đeo mắt, kính cổ rát vàng; gọng thời trang, hiện đại, thời mới của các loại kính. Đặc biệt, ông rất tâm huyết với nghề sữa chữa, phục hồi các loại gọng kính bị gãy, hỏng (nắn, chuyển dáng đổi kiểu, hàn mạ hoặc sơn các loại gọng kính). Ông Th. cho biết có một khách hàng vừa mang chiếc kính Rayban Pillot của Mỹ, bọc vàng 12k và kính Solex đòn gánh đến cửa hàng ông "mông" lại. "Hai chiếc kính đó là kính cổ, nguyên bản, có một vài vết trầy, xước nên tôi sẽ làm bóng lại", ông Th. nói.
Kính cổ rao bán rầm rộ trên mạng
Trên mạng, chỉ một cú nhấp chuột hàng loạt những thông tin rao bán kính cổ mạ vàng hiện trước mắt. Chủ nhân của những chiếc kính đều quả quyết bán kính cổ mạ vàng "xịn", giá cả thỏa thuận. Chúng tôi gọi điện đến số di động 0979598xxx, một người đàn ông nói rằng, ở Hà Nội- chuyên cung cấp các loại kính cổ mạ vàng và nhận đặt hàng theo yêu cầu của khách.
Theo lời quảng cáo của người đàn ông này, kính cổ đang trở thành mốt thời thượng của những người lắm tiền, nhiều của. Hiện kính cổ bán rất đắt hàng. Kính cổ Rodenstock (Đức), mạ vàng 12k size to, kính còn rất đẹp, "zin" (có khuyến mại bao đựng) giá chỉ với 3,9 triệu đồng. Tưởng vớ phải "khách sộp", người đàn ông này đon đả giới thiệu về đủ loại kính mà cửa hàng đang rao bán: "Hàng xách tay 100%. Cuối tháng 11, chị gái tôi ở Mỹ mới về nước có mang một ít hàng về, đảm bảo hàng "xịn". Hiện chúng tôi đang có kính cổ Rayban mạ vàng 10k, chất lượng đánh giá 97%, tròng "zin", không vết tì hay trầy, kèm theo bao da, giá chỉ 1,5 triệu đồng. Kính Pilot mạ vàng 10K (hàng mới sau này làm cho dân bình thường xài, hàng của Military không dưới 400 USD mà cũ mèm-PV). Hình thức đánh giá 97%, riêng tròng bị trầy một đường sát mép nên vẫn sử dụng được tốt, không ảnh hưởng tới tầm nhìn. Giá 1,2 triệu đồng, kèm theo bao da "xịn"".
Lần theo một số điện thoại khác trên mạng, chúng tôi biết đến chủ nhân của một gian hàng kính cổ online. Người này tự xưng là Hảo. Theo quảng cáo của Hảo, kính cổ có rất nhiều kiểu cách và hình dạng độc đáo như: Kính Solex chữ H mạ vàng 14k còn nguyên bản, kính cổ American mạ vàng 12k, kính cổ Welsh mạ vàng, RayBan mạ vàng 2k, kính cổ Amor (Pháp) mạ vàng 12k, kính cổ Correl (Anh) mạ vàng 12k…
Kính cổ được rao bán trên mạng
Mọi thứ đều có thể... làm giả
Sau nhiều ngày lân la trên mạng, gọi điện thoại đặt hàng mua kính cổ, tôi không khỏi ngạc nhiên với nhiều loại kính được rao rất "bèo", song có những loại kính được trả giá hàng nghìn USD mà vẫn không có hàng để bán. Đem thắc mắc về những lời rao bán kính cổ mạ vàng "xịn" đến ông Hùng "cá"- tay chơi đồ cổ có tiếng đất Hà thành, tôi đã được ông nghe "bắt mạch" về thế giới đồ cổ.
Ông Hùng chỉ nhận mình "biết chơi, chơi vì đam mê". Ông bảo chơi đồ cổ không chỉ bằng tai nghe mà phải có nghề, nếu không mất tiền để rước về đồ "rởm". Ông Hùng úp mở: "Đôi khi có những thứ mình mua với giá rất rẻ lại có giá trị cực lớn, thậm chí là vô giá, nhưng có những thứ mua với giá cực đắt lại là đồ… giả". Ông Hùng nhớ lại hàng loạt những câu chuyện mà ông đã từng trải qua.
Ông Hùng nhấm nhẳng: "Chẳng phải ai cũng có thể đặt chân vào làng đồ cổ. Những người giàu có, quan chức có bộn tiền "sính" chơi đồ cổ nhưng cũng chỉ là chơi bằng tai, hễ có ai mách là tìm đến mua mà chẳng cần thẩm định chất lượng món đồ ấy ra sao. Thế mới có những chuyện về thú chơi bạc tỷ bị lừa triệu đô".
Ông Hùng gợi chuyện: "Chỉ riêng cái thú chơi ngọc bây giờ tôi đã thấy lắm sự "rởm". Trước đây khi bước chân sang biên giới Trung Quốc, tôi đã được chứng kiến người dân ở đó mê mẩn với thú chơi đá (gọi nôm na là ngọc). Những hòn đá được chế tác đồ trang sức, dây ngọc, vòng ngọc… Dân buôn trong nước qua Vân Nam, Quảng Châu đánh hàng về bán. Giá mua buôn các mặt hàng này rất "bèo", có món đồ như vòng ngọc chỉ hơn 10.000 đồng nhưng về trong nước được bán với giá cao ngất ngưởng, vài trăm nghìn, thậm chí cả triệu đồng”. Ông Hùng cười khểnh: "Ối người giàu có, quan chức chi ra hàng chục tỷ đồng để mua ngọc cổ nhưng toàn là ngọc non (nếu không muốn nói khôi hài là đá)".
Trong câu chuyện, ông Hùng nhắc đi nhắc lại với chúng tôi câu nói: "Bất kể đồ gì cũng có thể bị làm giả". Ông kể rằng, bây giờ có rất nhiều mánh chế tác thành đồ cổ giả. Chẳng hạn như đồ gốm sứ, ở Nghệ An, dân buôn đồ cổ đặt hàng trực tiếp từ các lò gốm sứ, sau đó về làm cũ đi. Ngay cả ở làng Cậy (gần Bát Tràng, Hà Nội) cũng có nhiều lò gốm sứ gia truyền, chế tác ra những bình gốm, sứ theo khuôn mẫu cũ rất đẹp, tinh xảo. Cánh buôn đồ cổ tậu hàng về dùng hóa chất, ủ thêm men bia cho vào máy li tâm quay làm mờ bề mặt rồi chôn xuống đất "hô biến" thành đồ cổ.
Hùng "cá" mượn tất cả những câu chuyện gian lận trong thế giới đồ cổ để nói về thú chơi kính cổ mạ vàng hiện nay. Ông bảo rằng, người sành chơi phải biết giá trị đích thực của món đồ, đừng chạy theo xu hướng mà "ẵm" phải hàng "rởm". Không loại trừ những chiếc kính cổ được rao bán trên mạng là hàng "mông má", hàng nhái.
Ngân Giang