Sông Hằng có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của người Ấn Độ, đặc biệt là những người Hindu.
Được nhắc tới trong kinh Vệ Đà, văn bản cổ nhất của người Hindu, đây là con sông thiêng liêng mà mỗi người Hindu cần phải được tắm ít nhất một lần trong đời.
Không chỉ là nơi để thể hiện tâm nguyện của người sống, sông Hằng còn là nơi người chết được trả trôi sông với mong muốn nhanh chóng về với đất Phật để sớm siêu thoát.
Tại thành phố Ba-la-nai, một trong những thành phố thiêng cạnh sông Hằng, hàng năm người ta hành hương về đây rất đông. Thường thì người dân Ấn Độ ở khắp nơi đổ về thành phố này để làm lễ hỏa táng cho người thân.
Theo tục lệ tử thi được quấn trong những lớp vải trắng hoặc đỏ, và được đưa lên đài hỏa táng đốt bằng củi sau vài lời cầu nguyện ngắn của người dự lễ.
Người dự lễ không tỏ ra đau xót hay than khóc, vì họ tin rằng sau khi hỏa táng, tro cốt của người chết sẽ được rải trên sông Hằng và nhờ đó họ được giải thoát. Nhiều người Ấn Độ khác thì tin rằng nước sông Hằng có thể làm sạch linh hồn khỏi những tội lỗi của quá khứ...
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi giá củi tại Ấn Độ liên tục tăng cao khiến cho một số gia đình nghèo không đủ củi để hỏa táng hết xác của người thân.
Vì thế để mong cho người thân của mình nhanh chóng siêu thoát để lên được cõi Phật, nhiều gia đình chỉ hỏa thiêu một số bộ phận thân thể rồi đem thả trôi sông.
Cũng có trường hợp có hàng ngàn người không được hỏa táng mà chỉ được gói xác trong tấm vải niệm và thả xuống sông Hằng như một nghi lễ linh thiêng nhằm giữ gìn xương cốt một cách hoàn thiện nhất.
Nếu đi dọc sông Hằng tại thành phố Ba-la-nai vào những lúc hoàng hôn, ai cũng sẽ được ngắm những người đi lại với đủ màu sắc khác nhau.
Đồng thời ngắm những thuyền chở tượng nữ thần Saraswati ra sông để thả, im lặng ngắm nhìn những thân thể đã chết được quấn chặt bằng sari trên dàn thiêu và rồi thả từng đĩa hoa có thắp nến xuống sông Hằng để cầu mong bình an cho người thân.
Hải Hiền