Đây là kinh đô của nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương nhưng cho đến nay, nhiều giá trị lịch sử hình như đã bị lãng quên.
Từ cảnh vật lay lắt buồn
Tôi đến Cổ Loa vào ngày chủ nhật đầu tháng năm. Cái nắng đầu hè tinh khôi cũng không đủ làm bừng sáng cho không khí u tịch nơi đây. Thú thật, tôi đã đến Cổ Loa không dưới ba lần, nhưng cảm xúc lần nào cũng đọng lại một chữ buồn! Nỗi buồn đến từ những quán hàng lèo tèo dựng quanh khu di tích, những ngôi nhà san sát vách liền kề với chứng tích lịch sử oai hùng, hay đơn giản chỉ là không gian vắng lặng nơi đây.
Ngày nghỉ mà cụm di tích Cổ Loa cũng không thu hút được mấy khách đến tham quan. Nhóm người chúng tôi có lẽ là đoàn đông nhất trong một ngày cuối tuần đẹp trời. Cách Hà Nội chỉ chưa đầy 20km, nhưng Cổ Loa như di tích bị bỏ quên. Háo hức tìm đến với niềm tự hào dân tộc, nhưng khi ra về, không ít người mang theo nỗi thất vọng tràn trề và nỗi buồn man mác.
Ai đó đến Cổ Loa, bên cạnh niềm tự hào về một thời oai hùng của đất nước, bên cạnh kiểu kiến trúc xây thành có một không hai còn vương vấn nỗi buồn hậu thế. Hay bởi nỗi đau mất nước xưa kia còn vương vấn cho đến tận bây giờ? Tôi lại nhớ về một ngày hè của năm trước, khi tôi đến, trước cổng khu đền Thượng với kiến trúc mái cong và chất liệu gạch, đá, gỗ xám nâu quen thuộc của kiến trúc đình làng Bắc Bộ, người ta đổ thóc, rơm ra phơi kín cả khoảng sân rộng.
Cổng vào khu di tích Cổ Loa. Ảnh: Dương Thu
Lân la câu chuyện với bà bán nước trước cổng tam quan vào đình Cổ Loa, tôi được biết: Khu di tích chỉ đông khách vào tháng có hội (bắt đầu từ mùng 5 Tết, kéo dài đến hết tháng Giêng, Hai - PV). Còn hầu như quanh năm chỉ thưa thớt người đến vãn cảnh. Quán hàng của bà bán nước cũng vì thế mà "đồng lời đồng lãi" không thấy. Chỉ vì niềm vui thú tuổi già, bà mở quán nước đã hai mươi năm nay nên không muốn bỏ hàng. Ngày ngày theo thói quen, dù mưa hay nắng, bà cũng dọn dăm ba thứ hàng vặt vãnh và ngồi đó nhai miếng trầu, tiếp đôi câu chuyện với du khách bốn phương.
Bà Hoa chia sẻ: "Có những ngày, tôi chỉ ra đây bày hàng và tám chuyện phím với mấy bà bán nước mía cạnh bên đến chiều muộn rồi về, chứ chẳng có khách mua hàng. Nhưng lớn lên ở ngôi làng có chứng tích lịch sử thì cứ muốn lân la bán mấy thứ đồ vặt để được dịp giao lưu với mọi người. Đó là niềm vui lúc tuổi về hưu chứ bảo bán hàng để kiếm tiền ở chốn này e là khó lắm".
Sau cốc chè xanh và nghe những tâm tư ngắn ngủi của bà bán nước, lòng tôi lắng lại. Cụm di tích lịch sử Cổ Loa chứa đựng trong nó nhiều giá trị to lớn về mặt kiến trúc, quân sự, văn hóa, xã hội. Nhiều chuyên gia về kiến trúc và các nhà sử học đều công nhận Cổ Loa là một kiểu kiến trúc quân sự kiên cố được phòng vệ chắc chắn kết hợp chặt chẽ giữa quân bộ và quân thủy. Nếu so với nhiều di tích lịch sử khác thì hai tiếng Cổ Loa vẫn gợi nhiều suy nghĩ tự hào trong lòng mỗi người Việt Nam. Thế nhưng, hình như sự quan tâm đến di tích vẫn còn hời hợt lắm. Cứ nhìn ngay vào bãi đỗ xe trống hoác trống huơ hay là khu chợ văn hóa đã biến thành nơi tổ chức cưới hỏi công cộng của người dân là đủ biết di tích buồn đến mức nào!
Đến con người
Xa xa ao làng, nơi có giếng Ngọc, đàn trâu cứ thoải mái trầm mình như chẳng vương vấn chút gì đến dòng máu Mị Châu - Trọng Thủy. Lẽ tất nhiên, ao làng là nơi sinh hoạt cộng đồng. Thế nhưng vẫn cứ thấy nhói lòng khi giếng thiêng giờ đây cũng chỉ còn là giếng thường, là một biểu tượng nằm trơ trọi giữa đời thường. Đồng hồ chỉ kim giờ và kim phút qua con số 4, cũng là lúc chúng tôi bước chân ra cổng soát vé để chuẩn bị ra về. Nói là cổng soát vé nhưng thực tế khi chúng tôi mua vé vào đến cửa soát vé cũng không thấy ai ngồi xé vé hay kiểm tra gì.
Một người trong nhóm có nói khôi hài rằng: "Mua vé này về làm kỷ niệm!". Những người đeo tấm biển của ban quản lý di tích cũng vội vã thu dọn bàn ghế và lạnh lùng đóng cửa cabin để kết thúc một ngày trực dài đằng đẵng. Không thiếu những cảnh làm ăn kiểu giờ giấc mà tôi đã gặp ở nhiều di tích lịch sử khác, nhưng ánh mắt lạnh lùng và hành động vội vã của mấy người bán vé nơi đây khiến bước chân ra về của tôi thấy ngắc ngứ lần chần. Lịch sử hình như đã bị lãng quên bởi những điều bình thường lắm!
Bảo Vy