Quý III/2016, Công ty CP Thế giới số Trần Anh (HNX: TAG) bất ngờ báo lỗ sau thuế 5,9 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, Trần Anh ghi nhận doanh thu thuần 3.114 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 12,7 tỷ đồng, lần lượt đạt 67% và 60% kế hoạch năm. Nếu tình hình kinh doanh không khởi khắc đột biến trong quý IV, rất khó để Trần Anh có thể đạt được mục tiêu mà Đại hội đồng cổ đông thường niên đã đặt ra hồi tháng Tư.
Kinh doanh ảm đạm là vậy, song điều kỳ lạ là mã cổ phiếu TAG của Trần Anh được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) lại tăng mạnh kể từ đầu năm. Mã chứng khoán này chốt phiên cuối tuần trước (16/12) ở mức 49.500 đồng, tăng tới 83% so với phiên giao dịch ngày 4/1/2016 (chốt phiên 27.000 đồng).
38 phiên gần đây nhất, cổ phiếu TAG không có thanh khoản, tức không có giao dịch được thực hiện, hé lộ nguyên nhân tại sao mã chứng khoán này vẫn “lỳ lợm” tăng điểm qua các phiên, mặc cho tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa. Tính rộng ra từ đầu năm, TAG chỉ có 68/241 phiên ghi nhận giao dịch, kể từ cuối tháng Năm, TAG chỉ có thanh khoản trong 22/142 phiên, với khối lượng khớp lệnh bình quân...128 cổ phiếu/ 1 phiên, giá trị giao dịch trung bình là 7,3 triệu đồng.
Tính thanh khoản của một cổ phiếu thấp thường phản ánh cơ cấu cổ đông cô đặc của doanh nghiệp, và Trần Anh cũng không phải ngoại lệ. Theo biên bản kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, 39 cổ đông nắm giữ tới 97,25% vốn cổ phần của Trần Anh. Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy Chủ tịch Trần Anh ông Trần Xuân Kiên và những người có liên quan đang sở hữu tới 54,52% vốn cổ phần công ty này, trong đó bản thân ông Kiên nắm giữ 5.123.709 cổ phiếu TAG, tương đương tỉ lệ 22,61%; bà Đỗ Thị Thu Hường, vợ ông Kiên đồng thời là thành viên HĐQT sở hữu 21,35% cổ phần. Chị gái bà Hường là thành viên HĐQT Đỗ Thị Kim Liên cũng đang nắm giữ 4,47% cổ phần. Bố mẹ ruột và một người em gái của bà Hường cũng có cổ phần tại Trần Anh, tính tới cuối tháng 6 nắm giữ gần 21.000 cổ phiếu TAG, tương đương tỉ lệ 0,09%. Vợ chồng bà Trần Thị Vân Trang, em ruột ông Kiên cũng đang sở hữu 6% cổ phần Trần Anh.
Ngoài ra, một số cổ đông nội bộ khác đang nắm giữ 2,56% cổ phần Trần Anh. Cổ đông nước ngoài Nojima Corporation sở hữu gần 7 triệu CP TAG, tương đương 30,81%, chưa kể Trần Anh đang có khoảng 103.000 cổ phiếu quỹ. Như vậy, số cổ phiếu trôi nổi trên thị trường hiện nay chỉ chiếm hơn 12% khối lượng niêm yết (khoảng 3 triệu cổ phiếu), và cũng không loại trừ việc một lượng không nhỏ cổ phiếu TAG tự do đang nằm trong tay những người liên quan khác của ông Trần Xuân Kiên.
Cơ cấu sở hữu cô đặc giúp một mã cổ phiếu dễ dàng tăng điểm, khi mà các cổ đông lớn bán ra nhỏ giọt, tạo những cơn “sốt” ảo. Giá trị cổ phiếu càng cao thì cổ đông lớn càng được lợi, bởi ngoài việc bán ra chốt lời đậm, cổ đông lớn có thể mang cổ phiếu đi thế chấp vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên phần rủi ro sẽ thuộc về các nhà đầu tư nhỏ lẻ, bởi một khi các cổ đông hay nhóm cổ đông lớn xả hàng để chốt lời, hoặc doanh nghiệp phát hành riêng lẻ một lượng lớn cổ phiếu để tăng vốn, thì điều chắc chắn là giá cổ phiếu sẽ lao dốc, cuốn theo hàng chục tỷ đồng của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Có vẻ như duy trì cơ cấu cổ đông cô đặc là chiến lược của Chủ tịch Trần Xuân Kiên cùng các cộng sự. Lần gần đây nhất Trần Anh phát hành cổ phiếu riêng lẻ là vào năm 2013, khi doanh nghiệp này tung ra thị trường 653.000 cổ phiếu thường. Trong giai đoạn từ 2012 – nay, vốn cổ phần của Trần Anh đã tăng gấp 3 lần, từ 8,3 triệu CP lên 24,9 triệu CP. Song ngoại trừ đợt phát hành riêng lẻ vào giữa năm 2013, tất cả các đợt tăng vốn còn lại của Trần Anh đều được thực hiện dưới hình thức cổ phiếu thưởng hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu. Điều này khiến tỉ lệ chia cổ tức hàng năm của Trần Anh là rất thấp, trong 2 năm 2014-2015 ở mức 10%, chỉ nhỉnh hơn chút so với lãi huy động của ngân hàng. Năm 2013 thậm chí không trả cổ tức.
Nghi Điền