CTCP BOT Cầu Thái Hà vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2020 với doanh thu thuần vỏn vẹn hơn 7 tỷ đồng, gần gấp đôi mức 4 tỷ của cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, do kinh doanh dưới giá vốn nên lỗ gộp của BOT Cầu Thái Hà lên tới hơn 14 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 17 tỷ của cùng kỳ. Cùng với đó chi phí lãi vay của doanh nghiệp chiếm gần 27 tỷ đồng. Sau cùng doanh nghiệp lỗ ròng gần 41 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế của BOT lên con số 210 tỷ đồng.
Tính tới hết quý 1/2020, khoản vay ngắn hạn của BOT Cầu Thái Hà là gần 54 tỷ đồng nhưng dài hạn tới hơn 1.018 tỷ đồng, chiếm chủ yếu trong tổng nguồn vốn (1.383 tỷ đồng). Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 1,7 tỷ đồng.
BOT là chủ đầu tư dự án cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
BOT Cầu Thái Hà chính thức thu phí từ năm 2019 và dự kiến thua lỗ trong 4 năm đầu hoạt động do ảnh hưởng của khấu hao và chi phí lãi vay. Năm 2019, BOT Cầu Thái Hà lỗ gần 170 tỷ đồng.
Dù kết quả kinh doanh còn thua lỗ nhưng cổ phiếu BOT vẫn đang duy trì ở mức giá rất cao. BOT Cầu Thái Hà đưa cổ phiếu lên sàn với giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngay sau đó cổ phiếu này đã tạo nên "cơn sốt" khi tăng một mạch gần gấp 6 lần giá chào sàn. Tuy sau đó có giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì mức cao.
Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều mã cổ phiếu bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 vậy nhưng mã cổ phiếu BOT Cầu Thái Hà vẫn duy trì mức cao, hiện giao dịch quanh mức 54.300 đồng/cổ phiếu.
Hồi tháng 2/2020, BOT Cầu Thái Hà đã "cầu cứu" Bộ GTVT cho phép bổ sung trạm thu phí trên phạm vi dự án để thu phí các phương tiện sử dụng Dự án BOT cầu Thái Hà đi qua cầu Hưng Hà. Lý do là hiện các phương tiện đi qua cầu Hưng Hà đang sử dụng 1,6 km đường của Dự án mà không trả phí dịch vụ.
Theo BOT, thời điểm Dự án cầu Thái Hà chính thức thu phí cũng là lúc cầu Hưng Hà thông xe. Hai dự án đều có ý nghĩa kết nối giống nhau và chỉ cách khoảng 20km. Tuy nhiên, cầu Hưng Hà là dự án vốn ODA nên không thu phí, do đó hầu hết các xe tải, container đều tránh tuyến đường thu phí và dẫn đến tính trạng ảm đạm đối với việc làm ăn tại cầu Thái Hà.
Công ty cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét hỗ trợ bằng nguồn vốn nhà nước với phần doanh thu bị hụt so với phương án tài chính của hợp đồng và các khoản chi phí phát sinh do Dự án BOT cầu Thái Hà không đảm bảo doanh thu thu phí theo phương án tài chính như: chi phí lãi vay, chi phí quản lý, chi phí bảo trì, chi phí vận hành...
Đề xuất cuối cùng mà công ty đưa ra là việc xin các ngân hàng tài trợ vốn điều chỉnh kế hoạch thu gốc, lãi doanh thu thu phí sau khi trừ các chi phí hợp lý nhằm giảm bớt khó khăn cho nhà đầu tư.
Hiếu Nguyễn