Ngày 14/4 tới đây, ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 với nhiều nội dung trình Đại hội thông qua.
Theo đó, VietBank dự kiến tăng vốn thêm hơn 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành ra công chúng (gần 91 triệu cổ phiếu) và phát hành 9,7 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên ngân hàng. Thời điểm thực hiện dự kiến từ quý II đến quý IV năm nay.
Đáng chú ý, VietBank sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua thương vụ mua lại bất động sản là toà nhà Lim Tower II tại số 62A đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TP.HCM trong cuối năm 2018. Giá mua là 1.400 tỷ đồng.
Toà nhà Lim Tower II thuộc sở hữu của công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Chợ Đũi - thành viên của công ty CP Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm (tập đoàn Hoa Lâm).
Hoa Lâm là cổ đông chiến lược, từng chiếm tới 35% vốn cổ phần của VietBank vào thời điểm thành lập đầu năm 2007. Hiện nay ông Dương Ngọc Hoà, người sáng lập tập đoàn Hoa Lâm đang giữ chức Chủ tịch HĐQT VietBank.
VietBank không nêu rõ mục đích mua lại toà nhà Lim Tower II. Tuy vậy, nhiều khả năng là để làm trụ sở Ngân hàng, bởi theo luật, tổ chức tín dụng không có chức năng kinh doanh bất động sản.
Hiện Vietbank là một trong số ít ngân hàng có trụ sở chính không đặt tại các thành phố lớn. Hội sở hiện tại của Vietbank là toà nhà số 47 Trần Hưng Đạo, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Bỏ ra 1.400 tỷ đồng mua tài sản trong khi chỉ tăng vốn hơn 1.000 tỷ đồng đồng nghĩa với VietBank sẽ dùng toàn bộ số vốn phát hành thêm cùng khoảng 400 tỷ đồng vốn hiện có để mua lại toà nhà của tập đoàn Hoa Lâm.
Mặt khác, cũng liên quan tới nhà băng này, VietBank đặt ra hai kịch bản tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay, một là mức tối thiểu 97 tỷ đồng (nếu NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 11%), hai là mức phấn đấu đạt 300 tỷ đồng (nếu NHNN chấp thuận cho tăng trưởng tín dụng 32%).
Đáng chú ý, trong bối cảnh cả hệ thống ngân hàng đang "bừng bừng khí thế" báo lãi kỷ lục hàng nghìn tỷ đồng, mức tăng trưởng luôn đạt hai chữ số, thì cả hai kịch bản trên của Vietbank đều sụt giảm so với mức thực hiện năm 2017.
Mức lợi nhuận trước thuế của VietBank năm qua đạt 263 tỷ đồng, tăng gấp gần 4 lần so với năm 2016 và gấp 7,5 lần kế hoạch đặt ra.
Cho đến nay, Vietbank với số vốn điều lệ 3.200 tỷ đồng vẫn là một trong số ít ngân hàng nhỏ nhất hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam xét về vốn điều lệ.
Kế hoạch tăng vốn để đảm bảo khả năng hoạt động, tăng sức cạnh tranh của ngân hàng trong bối cảnh hiện nay là điều dễ hiểu. Tuy vậy, kế hoạch chi tiêu tới 1.400 tỷ để mua một bất động sản của cổ đông lớn hay để tình hình kinh doanh "phú quý giật lùi" lại là điều đáng bàn trong ĐHĐCĐ ngày 14/4 sắp tới.