Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) vừa báo lỗ đậm 565 tỷ đồng quý II/2018, nâng số lỗ lũy kế nửa đầu năm lên 567,9 tỷ đồng.
Nguyên nhân là trong kỳ, doanh thu giảm mạnh 59%, từ gần 300 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái xuống 123,9 tỷ đồng năm nay. Giá vốn hàng bán kỳ này lên tới 193 tỷ đồng, cao hơn cả doanh thu khiến khoản lãi gộp bị ghi âm 69,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí tài chính, chi phí lãi vay đều tăng. Đặc biệt, chi phí quản lý gấp hơn 10 lần lên 398,5 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2017 chỉ có 36,7 tỷ đồng).
Theo thuyết minh báo cáo tài chính kỳ này, chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ tăng mạnh gấp 10 lần là do công ty phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi đến 370 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý II, Gỗ Trường Thành có 428 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn, trong đó, có 733 tỷ phải thu khách hàng ngắn hạn, do đó công ty trích lập 560 tỷ đồng gồm 370 tỷ mới trích quý II và 190 tỷ có từ đầu kỳ.
Hàng tồn kho cũng là một lý do khiến Gỗ Trường Thành lỗ nặng kỳ này. Hiện công ty đang tồn kho một lượng hàng trị giá 1.753 tỷ đồng, tăng thêm hơn 141 tỷ so với đầu kỳ. Công ty dự kiến mất khoảng 108 tỷ đồng để dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Trong số 1.753,9 tỷ đồng hàng tồn kho thì chỉ có 105,4 tỷ đồng thành phẩm, còn lại là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 697,8 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng lớn nhất là nguyên vật liệu 965,9 tỷđồng.
Để giải quyết gánh nặng tài chính, Gỗ Trường Thành đã phải thực hiện phương án thoái vốn và thanh lý các khoản đầu tư không hiệu quả.
Trong quý II, doanh nghiệp đã tiến hành chuyển nhượng toàn bộ 26,74% vốn cổ phần tại công ty CP Phú Hữu Gia thu về gần 52,7 tỷ đồng và 26,59% vốn tại công ty CP Nông Lâm Nghiệp Trường Thành với giá hơn 5 tỷ đồng.
Ngoài ra TTF cũng chuyển nhượng một phần vốn (48,02%) vốn góp tại công ty CP Trường Thành Xanh và hiện chỉ còn nắm giữ 51,97% vốn điều lệ tại công ty này. Theo Nghị quyết HĐQT thì giá chuyển nhượng không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cp.
Hồi cuối tháng 4/2018, trong khi giải trình với ủy ban Chứng khoán Nhà nước về kết quả kinh doanh quý I, ông Mai Hữu Tín – Tổng Giám đốc TTF trình bày 3 phương án giúp TTF “hồi phục” trong thời gian tới.
Bao gồm việc khảo sát nghiên cứu thực hiện mảng trồng rừng để tăng khả năng tài chính, sử dụng phần mềm quản trị doanh nghiệp mới để tăng khả năng kiểm soát, quản lý và minh bạch.
Ngoài ra, TFF cho biết tương lai tươi sáng khi một tập đoàn trong nước ký kết “Thỏa thuận nguyên tắc về chỉ định nhà cung cấp chiến lược”, theo đó cam kết hợp tác mua hàng của TTF trong 5 năm với giá tri 16.000 tỷ đồng.