"Có ai cần người đào xới không? Đây là một người làm việc đào xới, một người đàn ông khỏe mạnh. Đặt giá thế nào đây? Đặt giá thế nào đây?", người bán "rao" trong một phiên đấu giá ở Thủ đô Tripoli của đất nước Bắc Phi. Và rồi người mua lần lượt giơ tay trả giá với các mức như 500, 550, 600, 650... Chỉ trong vài phút, những người bị bán được bàn giao cho "chủ" mới và thả trôi số phận của mình.
Những phiên đấu giá người lao động như trong cuộc điều tra của CNN mới đây chỉ là một trong rất nhiều hoạt động mua bán, đổi chác người lao động không khác gì những món hàng và được cho là tồn tại khá lâu ở những chợ “nô lệ” ở Libya.
Những vụ đấu giá “nô lệ” diễn ra ở những thị trấn bình thường tại Libya, nơi trẻ em vui đùa trên phố, người lớn đi làm, trò chuyện với bạn bè, hay nấu nướng cho gia đình. Và có chăng điều khác duy nhất với các phiên đấu giá nô lệ thời xưa đó là không xuất hiện gông cùm ở cổ tay và cổ chân người di cư.
Libya là một trong những cửa ngõ quan trọng, nơi có cảng biển để người di cư từ nhiều nước Trung Đông - châu Phi bắt đầu hành trình tới “miền đất hứa” châu Âu. Mỗi năm, có hàng chục nghìn người vượt biên vào Libya. Đa số họ bán đi mọi tài sản mình có để lấy tiền vượt biên qua Libya tới Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, lính biên phòng Libya gần đây siết chặt kiểm soát, khiến số lượng thuyền chở người vượt biển ít hơn. Và nhiều quốc gia phải siết chặt chính sách tị nạn, khiến hàng trăm nghìn người mắc kẹt lại tại các cửa ngõ như Libya. Do đó, những người di cư và tị nạn vô tình mang thân phận không khác gì nô lệ, còn dân buôn lậu trở thành những kẻ buôn người.
Những “nô lệ” bị đem bán hầu hết là người di cư từ các nước châu Phi tới Libya tìm nơi trú ngụ. Họ tới Libya cùng người thân, cha mẹ hoặc vợ con và là lao động chính kiếm tiền để trang trải chi phí cho cả gia đình. Song do mật độ tập trung quá đông người từ hàng loạt quốc gia châu Phi tại một địa phương, nên việc kiếm kế sinh nhai gặp khó khăn.
Trong khi lượng người lao động, đặc biệt là những người trẻ tuổi, tập trung về Libya quá lớn, lượng công việc phù hợp cho những người di cư mới đến có hạn nên nhiều người phải làm các công việc nặng nhọc mà chỉ được trả rất ít tiền, thậm chí bị bóc lột sức lao động. Trong hoàn cảnh khốn cùng, nhiều người thậm chí chấp nhận bán mình làm “nô lệ”.
Đại sứ tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Libya, ông Othman Belbeisi cho biết: “Phần đông người di cư không có nhiều tiền, lại bị bọn buôn người chèn ép phải trả chi phí cao. Khi trở thành con nợ, gia đình họ cũng không thể trả tiền chuộc nên chấp nhận bị đem bán”.
“Giá cả mỗi người cũng khác nhau tùy thuộc trình độ của họ. Thí dụ, một người đàn ông khỏe mạnh, biết quét sơn hoặc làm mộc hay những việc chuyên biệt thì sẽ có giá cao hơn”, ông Belbeisi cho biết.
Nhiều người bị lừa đảo và chèn ép nhiều đến sợ sệt, không dám mở lời. Các nhóm tội phạm cũng có một lực lượng “trấn áp” nạn nhân của chúng, đánh đập họ thậm tệ. Đó là lý do vì sao những người nô lệ này không chống trả được bọn buôn người. Không chỉ bóc lột sức lao động, bị đánh đập, đối xử tàn bạo, những người di cư này còn thường xuyên rơi vào cảnh bị lạm dụng tình dục.
Và một khi rơi vào tình trạng ốm đau, không còn đủ sức lao động, những người di cư này phải chấp nhận cái chết nhanh chóng như một lẽ đương nhiên.
Tình trạng người di cư bị mua bán như nô lệ ở Libya đang trở thành vấn đề khiến hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc quan ngại sâu sắc. Trong tuyên bố đưa ra tại phiên họp chính thức ngày 7/12, Đại sứ Koro Bessho của Nhật Bản, nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 12, nêu rõ Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên lên án việc mua bán người di cư và kêu gọi các nhà chức trách điều tra việc này ngay lập tức.
Xem thêm >> Bí ẩn tung tích con trai Gaddafi bị tuyên án tử vừa được trả tự do