Ngày 18/4, VOV đưa tin, Trung tâm Giảm thiểu nguy cơ núi lửa và địa chất Indonesia (PVMBG) thông báo, trong hơn 24 giờ qua, tại núi lửa Ruang ở tỉnh Bắc Sulawesi xảy ra ít nhất 5 vụ phun trào với các cột tro bụi xám bốc cao từ 1.800 mét đến 3.000m tính từ đỉnh núi. Các vụ phun trào kèm âm thanh dữ dội, động đất và sét núi lửa.
Tối 17/4, nhà chức trách Indonesia đã nâng cảnh báo núi lửa Ruang lên cấp độ 4 – báo động cao nhất trong hệ thống thang cảnh báo gồm 4 cấp độ. Phần lớn cư dân, gồm hơn 800 người, sống trên đảo Ruang sát núi lửa đã được sơ tán sang đảo Tagulandang lân cận bằng thuyền, phà. Số người dân này đang ở tạm tại các nhà thờ, trung tâm thể thao, nhà cộng đồng trên đảo Tagulandang và rất cần chăn màn, lều bạt, đồ dùng sạch…
Người đứng đầu PVMBG, ông Hendra Gunawan, đề nghị người dân sống trên đảo Tagulandang, đặc biệt là những người sống gần bờ biển, cần cảnh giác trước nguy cơ núi lửa tiếp tục phun trào đất đá, dung nham, tro bụi nóng, trong khi các phần núi lửa bị sụp đổ xuống biển và các cơn địa chấn có thể gây sóng thần. Tại một số khu vực trên đảo Tagulandang đã xuất hiện mưa đá, sỏi. Người dân và du khách được yêu cầu tiếp tục khẩn trương sơ tán, không đi vào khu vực nằm trong bán kính 6km từ miệng núi lửa Ruang.
Giám đốc Trung tâm dữ liệu thảm họa thuộc Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB), ông Abdul Muhari, ngày 18/4 cho biết ước tính số người trong khu vực này phải lập tức sơ tán là 11.615 người.
Ngày 18/4, hãng tin CNA cũng thông tin, khói và tro bụi ngập tràn vào sáng nay khiến sân bay quốc tế ở thành phố Manado gần đó phải tạm đóng cửa trong 24 giờ. Sân bay này có các hãng hàng không bay đến Singapore và các thành phố ở Hàn Quốc và Trung Quốc.
Theo CAN, nỗi sợ hãi của Indonesia đối với lần phun trào này một phần đến từ thảm họa trước đó. Năm 2018, núi lửa Anak Krakatoa phun trào đã gây ra sóng thần khiến hơn 400 người thiệt mạng và làm bị thương hàng nghìn người.
Indonesia, một quốc gia quần đảo rộng lớn, trải qua hoạt động địa chấn và núi lửa thường xuyên do vị trí của nó trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, một vòng cung nơi các mảng kiến tạo va chạm trải dài từ Nhật Bản qua Đông Nam Á và qua lưu vực Thái Bình Dương.
Quốc Tiệp (theo VOV, Hà Nội mới)