Kinh hoàng vụ bố đẻ tự thiêu cùng hai con

Thứ 6, 28/12/2012 00:08

– Một thảm kịch mang tính thời đại: Một di dân Hàn quốc tới Bắc Mỹ lập nghiệp, lấy vợ sinh con, có trai có gái ngoan ngoãn, kháu khỉnh, thành công về thương nghiệp và xã hội. Nhưng rồi tại một khúc quặt trên đường đời, áp lực cuộc sống tới cao điểm và bi kịch xảy ra, người cha đốt cháy hai con và toan tự tử.

Từ thành công đi xuống vực sâu

Dae Kwon Yun, 54 là một di dân gốc Đại Hàn từ Argentina tới Mỹ với một văn bằng luật vào cuối thập niên 1980 và vào 1993 thì lập gia đình với Sun Ok Ma, một cô gái đồng hương xinh đẹp làm nghề địa ốc. Cả hai vợ chồng năng nổ "tát cạn biển Đông", mở được một cửa hàng chuyên bán quần áo thời trang ở khu trung tâm "Garment District" và rồi những đứa trẻ thông minh kháu khỉnh ra đời. Trên mười năm trôi qua, bé lớn là gái có tên là Ashley Yun 11 tuổi, và bé trai Alexander Yun lên 10 đều học giỏi.

Bé gái theo học St. James Episcopal School, một ngôi trường tư thuộc loại sáng giá nhất trên đại lộ Wilshire của Los Angeles. Còn cậu con trai học lớp tư tại 3rd Street Elementary School. Hai đứa trẻ sau giờ học thường ra cửa tiệm với cha mẹ, bé gái có chiếc scooter và hai anh em thay nhau lái quanh khu phố. Nếu không vui đùa bên ngoài, chúng ở trong cửa tiệm chơi với chiếc máy tính và hàng xóm láng giềng đều khen chúng ngoan ngoãn.

Yun có tiền và biết hưởng thụ, ngày ngày thường lái chiếc Mercedes Benz mới tinh và gia đình mua được một căn nhà khang trang tại khu giàu có Hancock Park. Hạnh phúc ăm ắp trong gia đình bốn người vì vợ chồng Yun-Sun cho rằng đã chinh phục được đất hứa và thực hiện được giấc mộng mà bất cứ di dân nào cũng mơ ước.

Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này Dae Kwon Yun bắt đầu dấn thân vào bài bạc để biết mùi Las Vegas. Thế rồi những việc phải ngờ trước nhưng nhiều kẻ kinh doanh coi thường đã xảy ra khi cơ quan thuế vụ của liên bang và tiểu bang đòi vợ chồng Yun phải trả thêm $100.000 tiền thuế. Thiếu tiền, kinh doanh xuống dốc. Tài liệu trước tòa còn cho biết chủ nhà cho vợ chồng Yun thuê cửa tiệm vào 17 tháng giêng đã thưa vợ chồng Yun trong khoảng thời gian giữa tháng 11 và tháng giêng không trả tiền thuê $4500. Đây là lúc Yun phải "giật gấu vá vai", phải vay mượn lung tung để duy trì cửa tiệm. Tình trạng tài chính chật vật và buôn bán theo đó càng xuống dốc. Kết quả, gia đình phải dời tổ ấm, dọn nhà tới khu bình dân Monterey Park.

Gia đình trở nên xào xáo và bạo hành xảy ra. Một sĩ quan cảnh sát tại Monterey Park là Eric Kim cho biết, Yun bị bắt vào tháng 05 2004 sau khi một phụ nữ gọi 911 và báo cho nhân viên trực biết bà ta bị chồng đánh và người hành hung còn ở trong nhà bà. Vụ này sau đó được dàn xếp và Yun buộc phải theo khóa học kiềm chế cơn giận tại cộng đồng mà thôi.

Ngoài xã hội, Yun không hay đề cập tới rắc rối gia đình nhưng từ đó thường than phiền với bè bạn về tình hình tài chính khó khăn và tốn phí cho con gái học trường tư gia tăng. Một nhân chứng gần nơi hai vợ chồng Yun buôn bán cho biết: "Yun thường nói về áp lực kinh doanh và mức căng thẳng nếu muốn duy trì một cuộc sống phong lưu trong xã hội... và nhìn nhận đành bó tay".

Bi kịch gia đình

Bà Sun cho cảnh sát biết chồng bà cũng xuống tinh thần về nợ nần cờ bạc và tính tình trở nên cáu gắt và rầy la con cái luôn miệng. Gia đình trở thành địa ngục. Trong một một cuộc họp phụ huynh ở trường của Alexander, nhà trường hỏi han về tình trạng Alexander không ổn định về tâm lý và Yun đã to tiếng với hiệu trưởng.

Vào giữa tháng ba, 2006, Yun đóng cửa tiệm và vào ngày 28-03, Sun Ok Ma nộp đơn ly dị chồng và được quyền nuôi giữ hai con và tiếp tục buôn bán ở khu Koreantown, còn Yun dọn ra xe ở tạm. Vào ngày Chủ nhật 02-04-06, bọn trẻ như dự tính sẽ theo cha đi coi phim và Sun sẽ nhận con lại vào buổi tối.

Vào lúc 4h35 phút chiều Yun lái chiếc Toyota Sequoia tới đón Ashley và Alexander ở một hẻm vắng gần nơi buôn bán cũ. Các nhân chứng cho biết có thấy Yun la rầy con gái bằng tiếng Đại Hàn, bên ngoài chiếc SUV. Thế rồi Yun đẩy chúng vào trong xe, ngồi vào tay lái và chỉ ít phút sau xe bùng lên cháy dữ dội. Yun mở cửa xe lảo đảo bước ra quần áo ngụt lửa và lăn lộn trên đất. Nhân viên cứu hỏa tới hiện trường vào lúc 4h 45 phút chiều và phát giác ra thi hài hai đứa trẻ sau khi khống chế ngọn lửa. Cảnh sát cho rằng Yun đã tưới xăng vào hai nạn nhân rồi châm lửa đốt.

Cảnh sát cũng tìm thấy Yun ỏ bên cạnh chiếc SUV với nhiều vết phỏng trên mặt, tay và chân. Nghi can được chở vào trung tâm y khoa "Los Angeles County-USC Medical Center" trong tình trạng nguy cấp và đã qua đời không lâu sau đó. Cảnh sát cũng đã xác nhận hai tử thi cháy đen trong xe chính là xác của Ashley Yun, 11 tuổi và Alexander Yun, 10 tuổi. Hiện giờ chưa biết rõ có phải Yun định giết hai con rồi tự sát và phút chót lại thay đổi ý định và thoát thân ra khỏi xe hay không. Cảnh sát cũng chưa biết có phải Yun đã khóa cửa xe khiến hai nạn nhân không thể ra khỏi lò thiêu chúng hay không.

Một gia đình tan vỡ, hai đứa trẻ chết oan và người cha điên cuồng bị thương đã nêu ra biết bao câu hỏi. Nghi vấn nổi bật nhất là vì đâu nên nỗi? Cảnh sát cho rằng: "Vụ thảm sát là do vợ chồng Yun ly thân mà ra". Cộng đồng Đại hàn ở Koreantown ngạc nhiên và nhiều người khóc thương cho hai đứa trẻ vô tội. Ngày thường tại trường chúng cũng từng than thở với thầy cô là không hạnh phúc và không ngờ khi chết chúng còn bị cảnh bất hạnh hơn nữa.

Hae Sang Yoon, một phát ngôn viên của tòa lãnh sự Hàn Quốc ở Los Angeles cho biết, nạn ly dị gần đây gia tăng trong cộng đồng Hàn ở Los nhưng theo phong tục, khi lứa đôi "cơm không lành, canh không ngọt" mà có con cái thì thường mâu thuẫn giảm đi. Cộng đồng nêu ra nhiều cách giải thích. Nhìn chung chúng tiêu biểu cho các khó khăn của di dân tới lập nghiệp ở xứ lạ quê người, nhất là trong khu vực trù phú như Los Angeles, New York City, Boston. Vancouver, Montreal và Toronto...

Grace Yoo, giám đốc của tổ chức "Korean American Coalition" cho biết nhiều di dân đã phải gắng sức vượt áp lực để thành công về tài chính, nhất là trong một xã hội phân cách giàu nghèo như Mỹ: "Xã hội đánh giá con người ở chỗ ăn mặc ra sao và lái xe hiệu nào. Nhiều di dân gốc Đại Hàn rơi vào cái vòng luẩn quẩn này, như nhiều người Mỹ khác, nên chẳng ngạc nhiên khi thấy nhiều người nợ thẻ tín dụng những khoản khổng lồ".

Edward T. Chang, Giáo sư môn sắc tộc học tại đại học UC Riverside, đã để trên 20 năm nghiên cứu cộng đồng Hàn gốc Mỹ ở Los Angeles, nhận xét: "Di dân gốc Đại Hàn sống dưới áp lực kinh khủng để kiếm sống và giáo dục con cái. Đôi khi áp lực này lên tới cực điểm. Nhưng việc làm của ông Yun quá đáng, ngay cả những người thấu hiểu cộng đồng Đại Hàn cũng không hiểu nổi. Hành động của ông ta lầm lạc, gây thảm kịch cho ông ta, cho gia đình ông ta và cho cả cộng đồng." Thiết nghĩ, bài học trên chẳng phải chỉ dành riêng cho cộng đồng Đại Hàn mà cho mọi cộng đồng di dân khác ở Bắc Mỹ.

Hùng Thuận


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.