Kính James Webb bắt trọn khoảnh khắc "đồng hồ cát vũ trụ" tuyệt đẹp

Thứ 5, 17/04/2025 06:52

Kính viễn vọng không gian James Webb vừa hé lộ bí mật ngôi sao chết tạo nên chiếc "đồng hồ cát" tinh vân pha lê.

Kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) vừa gửi về Trái Đất một hình ảnh mới đầy ấn tượng về tinh vân Quả cầu Pha lê (Crystal Ball Nebula), hay còn gọi là NGC 1514, nằm cách chúng ta 1.500 năm ánh sáng. Bức ảnh chi tiết chưa từng thấy này hé lộ cấu trúc phức tạp giống như một chiếc đồng hồ cát khổng lồ, được tạo ra từ "màn kịch cuối cùng" của một ngôi sao đang hấp hối.

Tinh vân này thực chất đã được kính viễn vọng hồng ngoại WISE của NASA quan sát vào năm 2010. Tuy nhiên, với "con mắt" hồng ngoại trung bình siêu nhạy của thiết bị MIRI trên James Webb, các nhà khoa học giờ đây có thể nhìn thấy những chi tiết mà trước đây chỉ là phỏng đoán hoặc hoàn toàn không thể phát hiện.

img

Tinh vân Quả cầu Pha lê với hình dạng như một chiếc đồng hồ cát khổng lồ.

Nhà nghiên cứu Mike Ressler (NASA JPL), người từng nghiên cứu NGC 1514 bằng WISE, cho biết: “Trước Webb, chúng tôi không thể phát hiện hầu hết vật liệu này, chứ đừng nói đến việc quan sát nó rõ ràng như vậy.” Dữ liệu mới cho thấy rõ các vòng khí bụi mờ ảo và những khoảng trống bí ẩn gần trung tâm tinh vân.

Hình dạng độc đáo tựa đồng hồ cát của NGC 1514 được lý giải là kết quả của sự tương tác trong một hệ sao đôi nằm ở trung tâm. Một trong hai ngôi sao, sau khi cạn kiệt nhiên liệu, đã phình to và thổi bay lớp vỏ ngoài chứa đầy khí và bụi, chỉ còn trơ lại lõi nóng là một sao lùn trắng. Những cơn gió sao (luồng vật chất) mạnh mẽ từ sao lùn trắng này tương tác với vật liệu bị đẩy ra. Các nhà khoa học tin rằng, chính sự hiện diện và tương tác của ngôi sao đồng hành còn lại đã "nặn" đám mây vật chất thành hình đồng hồ cát và tạo ra hai vòng sáng đặc trưng, thay vì một lớp vỏ hình cầu thông thường.

Quan sát của kính Webb cũng cho thấy hai vòng sáng này không phải là cấu trúc đặc, mà khá mờ ảo và có độ dày không đồng đều. "Chúng tôi nghĩ rằng các vòng chủ yếu được tạo thành từ các hạt bụi rất nhỏ", Ressler giải thích. Điều thú vị là những hạt bụi này trở nên "nhìn thấy được" đối với thiết bị MIRI của Webb là do chúng hấp thụ ánh sáng cực tím từ sao lùn trắng, nóng lên một chút và phát ra bức xạ hồng ngoại trung bình.

Hình ảnh mới nhất về NGC 1514 một lần nữa khẳng định sức mạnh vượt trội của Kính viễn vọng không gian James Webb trong việc khám phá những vẻ đẹp kỳ ảo và giải mã những bí ẩn phức tạp của vũ trụ, mang đến cái nhìn sâu sắc về giai đoạn cuối đời đầy kịch tính của các ngôi sao.

An An - Digital Trends

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.