Tinh vân là một đám mây bụi và khí, là một “vườn ươm sao” nơi hình thành các ngôi sao mới. Tinh vân được hình thành khi một ngôi sao lớn hơn Mặt Trời bắt đầu chết và phóng ra khí.Cũng như mây trong bầu khí quyển Trái Đất, tinh vân có nhiều hình dạng, đôi khi có thể giống với những vật thể quen thuộc hay các nhân vật trong phim.
Hình ảnh mới được Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (Jet Propulsion Laboratory -JPL) của NASA công bố hôm 25/10 chụp một tinh vân khổng lồ gợi liên tưởng đến "vua của các quái vật" Godzilla, sinh vật hư cấu xuất hiện trong nhiều phim bom tấn của Nhật Bản và Hollywood.
"Tôi không tìm kiếm quái vật. Tôi chỉ tình cờ lướt qua một vùng trời mình đã quan sát nhiều lần trước đây nhưng chưa bao giờ phóng to", nhà thiên văn học Robert Hurt của Viện Công nghệ California (Caltech), người xử lý hình ảnh và là người đầu tiên phát hiện tinh vân giống Godzilla, cho biết.
Theo Daily Mail, tinh vân đặc biệt trên nằm trong chòm sao Nhân Mã ở bầu trời bán cầu nam, được điểm xuyết với nhiều màu sắc tuyệt đẹp đại diện cho các bước sóng khác nhau của ánh sáng hồng ngoại.
Với một chút trí tưởng tượng, bạn có thể hình dung các cụm sao và mây khí bụi ở phía trên bên phải hình ảnh tạo nên phần mắt và mõm của Godzilla. Vùng sáng nổi bật ở góc dưới bên trái xuất hiện như cánh tay phải của sinh vật, được gọi là W33 và cách Trái đất khoảng 7.800 năm ánh sáng.
Khi nhìn trong ánh sáng khả kiến (là một phần của phổ điện từ mà mắt người có thể nhìn thấy được), W33 gần như bị che khuất hoàn toàn bởi mây bụi. Tuy nhiên, ánh sáng hồng ngoại của nó - với bước sóng dài hơn những gì mắt người cảm nhận được - có thể xuyên qua các đám mây và hiện lên nổi bật trong quan sát của kính viễn vọng không gian Spitzer.
Trong bức ảnh, màu xanh lam, lục lam, xanh lục và đỏ được sử dụng để biểu thị các bước sóng khác nhau của ánh sáng hồng ngoại; màu vàng và trắng là sự kết hợp của các bước sóng đó. Màu xanh lam và lục lam đại diện cho bước sóng do những ngôi sao phát ra. Bụi cùng các phân tử hữu cơ được gọi là hydrocacbon có màu xanh lục, trong khi màu đỏ đại diện cho bụi bị đốt nóng bởi các ngôi sao hoặc siêu tân tinh.
Khi những ngôi sao lớn sụp đổ và phát nổ thành siêu tân tinh, chúng định hình lại các vùng không gian xung quanh. Sự kiện này cũng đẩy vật chất lại với nhau, dẫn đến sự ra đời của những ngôi sao mới.
Kính viễn vọng không gian Spitzer đã kết thúc sứ mệnh từ tháng 1/2020, nhưng các nhà thiên văn học vẫn tiếp tục khai thác bộ dữ liệu khổng lồ của nó để tìm kiếm thông tin mới về vũ trụ.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress, Lao Động)