Theo The Guardian, ngày 2/5 các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy một con đười ươi đực Sumatra đắp nhựa và lá của một loại cây thuốc lên vết thương trên mặt sau một trận chiến với một con khác. Cây thuốc được biết đến với khả năng chống viêm và giảm đau.
Trước đó, đã có các trường hợp của đười ươi Borneo sử dụng lá cây để trị đau cơ bắp và thậm chí chà lên vết thương. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một động vật hoang dã được ghi nhận sử dụng một chất có tính chất y học để chữa thương tổn.
Tiến sĩ Caroline Schuppli, một trong các tác giả của nghiên cứu tại Viện Max Planck về hành vi động vật tại Đức, lưu ý: "Tinh tinh sử dụng côn trùng và chưa có bằng chứng cụ thể cho việc chúng thực sự thúc đẩy việc chữa lành. Trong trường hợp của chúng tôi, đười ươi đã sử dụng loại cây được biết đến với tính chất y học".
Nghiên cứu này cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về nguồn gốc của các phương pháp chữa trị tự nhiên của con người. Phát hiện này gợi mở về khả năng của các loài động vật nhận thức và sử dụng các loại cây thuốc để chữa thương tổn, cho thấy rằng những khả năng này có thể đã tồn tại từ thời kỳ tiền sử, theo Pháp luật Việt Nam.
Nghiên cứu này được thực hiện trong khu rừng mưa Sumatra ở Indonesia, nơi một con đười ươi đực Sumatra tên Rakus đã sử dụng nhựa và lá cây thuốc để chữa lành vết thương trên mặt sau một cuộc xung đột.
Theo Thanh niên, việc đười ươi trị thương bằng lá thuốc được bà Schuppli và đồng nghiệp tình cờ phát hiện trong một chuyến nghiên cứu trong khu vực rừng mưa được bảo tồn ở Indonesia.
Nhóm cho hay con đười ươi đực Sumatra tên Rakus đã gặp vết thương trên mặt, có thể do ẩu đả với một con đực khác. Ba ngày sau, Rakus được nhìn thấy ăn thân và lá của loại cây dây leo Fibraurea tinctoria.
"13 phút sau khi ăn cây dây leo này, nó bắt đầu nhai lá nhưng không nuốt mà dùng các ngón tay để lấy nước bã từ miệng để quẹt lên vết thương trên mặt", các nhà nghiên cứu viết trong bài báo trên chuyên san Scientific Reports.
Con đười ươi đực lặp lại hành động và sau đó đắp toàn bộ phần lá đã nhai lên kín vết thương. Năm ngày sau, vết thương liền lại và sau vài tuần nó bình phục, chỉ còn vết sẹo nhỏ.
Loài cây nói trên được cho là chứa chất kháng khuẩn, kháng viêm, chống nấm, chống ôxy hóa, giảm đau, chống ung thư... và đã được dùng trong y học cổ truyền để chữa bệnh lỵ, tiểu đường và sốt rét.
Hiện chưa rõ Rakus tự nghĩ ra cách chữa lành hay học từ những con khác, dù việc này chưa từng được nhìn thấy trên những cá thể đười ươi khác.
KHÁNH LINH (t/h)