Cò mỏ giày (Shoebills) là loài đặc hữu sống ở những đầm lầy Đông và Trung Phi. Chúng được tìm thấy chủ yếu ở các quốc gia như Uganda, Kenya, Botswana, Tanzania, Ethiopia, Zambia và Nam Sudan.
Đây là sinh vật có hình hài kỳ dị, được nhận xét giống khủng long. Chiều cao trung bình của cò mỏ giày vào khoảng 1,4 m; nặng 7 kg, sải cánh hơn 2,5 m. Chiếc mỏ của chúng có thể dài tới 25 cm, nhìn khá giống chiếc guốc truyền thống tại Hà Lan.
Cò mỏ giày có nguồn gốc từ một nhóm khủng long ăn thịt mang tên "Theropoda" - cùng nhóm khủng long T-Rex. Tuy nhiên, cò mỏ giày là hậu duệ của loài khủng long có kích cỡ nhỏ hơn nhiều. Qua thời gian, chúng tiến hóa để thích nghi, cái mồm đầy răng sắc nhọn được thay thế bằng mỏ.
Loài chim này được gọi là cò vì kích thước tương tự. Tuy nhiên, chúng có xu hướng giống bồ nông hơn - đặc biệt ở phương pháp săn mồi hung bạo.
Chiếc mỏ lớn có nhiều tác dụng. Ví dụ, nó tạo thành tiếng để thu hút bạn tình và xua đuổi những kẻ săn mồi. Ngoài ra, nó cũng được dùng để múc nước giúp cò giải khát dưới cái nắng gay gắt của châu Phi. Đặc biệt nhất, đây là vũ khí săn mồi hiệu quả, thậm chí giúp cò mỏ giày săn được cá sấu.
Tuy nhiên, con mồi của nó thường chỉ là cá sấu con. Thức ăn chủ yếu của nó vẫn là ếch, bò sát và cá phổi. Cò mỏ giày tấn công cá sấu con khi cha mẹ của cá sấu con không ở gần. Chúng lao vào cá sấu con một cách nhanh chóng khi có cơ hội. Với chiếc mỏ nhọn, cứng và lực cắn mạnh một khi cò mỏ giày tấn công thì hiếm khi con mồi có thể thoát được.
Cò mỏ giày được coi là một thợ săn hung dữ và một kẻ săn mồi kiên nhẫn. Chúng thường đứng bất động trong thời gian dài để rình mồi, đặc biệt là ở những vùng nước nông hoặc bất kỳ thảm thực vật nổi nào. Vào đúng thời điểm, nó tấn công ngay lập tức và giết chết con mồi chỉ trong một động tác gọn lẹ. Chiếc mỏ lúc này được sử dụng để bắt và giết con mồi, cũng như cắt nhỏ con mồi để dễ dàng nuốt chửng.
Cò mỏ giày có thể sống hơn 35 năm trong tự nhiên và là loài động vật sống đơn độc. Các đối tác chỉ đến với nhau để giao phối, xây dựng khu vực làm tổ và ấp trứng. Mùa giao phối của cò mỏ giày gần với thời kỳ thời tiết khô hạn. Con cái đẻ từ 1 đến 3 trứng và ấp trong khoảng 30 ngày cho đến khi trứng nở.
Cò con không thể tự đứng và di chuyển cho đến khi hơn 2 tháng tuổi. Vì vậy nó chỉ phụ thuộc vào nguồn cung cấp thức ăn của cò mẹ. Khi chúng được 3 tháng tuổi, chúng có thể tự đi kiếm ăn với sự giám sát của cha mẹ.
Cò con nổi tiếng là cạnh tranh điên cuồng. Chúng chiến đấu với nhau cho đến khi con yếu nhất bị đẩy ra ngoài, trong tổ chỉ còn những con khỏe mạnh nhất. Cò bại trận phải sống bên ngoài gia đình. Sự ganh đua giữa các anh chị em cò là rất phổ biến.
Cò mỏ giày có thể bay nhưng chỉ trong một thời gian ngắn vì chúng chỉ có thể vỗ cánh 150 lần một phút (tốc độ vỗ cánh chậm nhất trong số các loài chim) và chỉ có thể bay tối đa 500 m.
Dù là kẻ săn mồi đáng sợ trong giới tự nhiên nhưng cò mỏ giày lại được xếp vào danh sách loài dễ bị tổn thương trong Sách đỏ. Tình trạng bảo tồn của nó chỉ cao hơn một bậc so với nguy cơ tuyệt chủng. Có một số câu chuyện mê tín dị đoan về cò mỏ giày dẫn đến việc nó bị săn lùng. Một câu chuyện phổ biến là người đánh cá khi gặp cò mỏ giày sẽ bị gặp xui xẻo.
Minh Hoa (t/h)