Nguyễn Dương Kim Hảo (SN 2001), mới chỉ mới học lớp 5 nhưng đã có thể sáng chế ra mô hình bảng điều khiển thông minh có thể điều khiển tắt mở quạt, máy lạnh, đèn điện… một cách tự động từ máy tính, điện thoại di động.
Nguyễn Dương Kim Hảo đang điều khiển bảng điều khiển thông minh trên máy vi tính
Viết phần mềm từ khi học lớp 3
Lần hẹn đầu tiên chúng tôi không gặp được Hảo, vì em đang được cha mẹ đưa về quê nội ở Tiền Giang chơi. Nhưng sau hai lần hẹn, chúng tôi đã có may mắn gặp được cậu bé đặc biệt này. Cảm giác đầu tiên của chúng tôi về Hảo đó là một cậu bé trông khá tròn trĩnh, với nước da ngăm đen, thần thái vô cùng nhanh nhẹn và thông minh.
Gia đình Hảo sống trong một căn phòng nhỏ nằm ở một khu chung cư cũ, chật hẹp của quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Nói là nhà nhưng đó chỉ là chỗ nghỉ mà mẹ con Hảo được người bà con tốt bụng cho ở nhờ. Trước đây, gia đình em sống ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Vì muốn con phát huy được khả năng nên học hết lớp 4 (trường tiểu học Bình Khương), mẹ của Hảo đã không quản khó khăn, vất vả, một mình đưa con lên trường tiểu học Chi Lăng, quận Tân Bình, TP.HCM để học.
Theo lời kể của chị Dương Trần Thanh Thảo (mẹ của Hảo) thì cậu bé bắt đầu tiếp xúc với máy vi tính từ khi mới học mẫu giáo. Ban đầu, em chỉ biết mở máy, tắt máy, đến khi được đi học lớp một, có vài chữ vỡ lòng trong đầu, em đã tò mò, tìm hiểu sâu hơn về máy tính. Một lần biết ba đi học bằng A vi tính về, Hảo cứ năn nỉ ba dạy cho một vài phần mềm đơn giản… Thương con ham học, nên dù khá bận rộn nhưng ba của Hảo vẫn dạy cho em những thứ căn bản nhất. Nhớ lại những ngày này Hảo kể: "Lúc không có ai hướng dẫn, mà em lại thích quá, nên đành tìm sách dạy vi tính đem về nhà để học".
Chưa có một ngày đi học thêm vi tính ở ngoài, nhưng Hảo vẫn tự tin đi thi bằng A. Lần đó, em chẳng những thi qua mà còn đạt loại giỏi. Có động lực, vào năm học lớp 3, Hảo bắt đầu mua sách về để học thêm VBA Excel, VB.Netcasm, lập trình ngôn ngữ Visual Basic. Biết nhiều kiến thức về tin học như một tiền đề giúp em có những sáng tạo sau này.
Nhớ lại phát minh đầu tiên của mình, Hảo hào hứng kể: "Mỗi lần đi học về lại thấy ba cặm cụi ngồi cộng điểm cho học sinh, thương ba quá nên em nghĩ mình phải làm một điều gì đó". Với kiến thức tích lũy từ những lần học lỏm, Hảo bắt tay vào viết chương trình phần mềm cộng điểm, khi ấy em mới học lớp 3. Nghe con nói về phần mềm này, ba mẹ Hảo cũng thấy vui vui, nhưng không nghĩ là con có thể làm được. Nhưng thật bất ngờ, sau một thời gian miệt mài nghiên cứu, cuối cùng Hảo cũng cho ra mắt phần mềm cộng điểm. Phần mềm này khi đưa vào sử dụng đã giúp ba Hảo tốn ít thời gian hơn cho việc cộng điểm.
Ngoài viết các chương trình phần mềm, Nguyễn Dương Kim Hảo còn có hàng chục sáng tạo về mạch ứng dụng trong gia đình như: Khoan cầm tay, mạch hẹn giờ cho quạt, bộ sạc bình, đồ sạc điện thoại cầm tay, công tắc đèn… Những phát minh này đều xuất phát từ mong muốn mang lại tiện ích cho gia đình của Hảo. Chẳng hạn, có lần thấy cây quạt ở gia đình không có chức năng tự tắt, Hảo liền nghĩ cách "chế" ra mạch hẹn giờ. Đến bây giờ, Hảo cũng không nhớ xuể mình đã chế ra bao nhiêu đồ lặt vặt trong gia đình. Chỉ biết là, mỗi lần thấy điều gì chưa hoàn hảo, em lại tìm cách mày mò, sáng tạo ra những chương trình mới cho đến khi nào ưng ý mới thôi.
Nói về sở thích của mình, Hảo cho biết: "Em có hai niềm đam mê lớn, là ngôn ngữ lập trình và sở thích về điện tử... Ước mơ sau này của em là trở thành một lập trình viên chuyên nghiệp".
Một số giải thưởng của bé Kim Hảo
Bảng điều khiển giành giải quốc gia
Lên đến lớp 5, cậu bé Kim Hảo đã thông thuộc 10 ngôn ngữ lập trình. Được gia đình tạo điều kiện học tập, em đăng ký học khóa lập trình viên quốc tế của đại học FPT, học thêm chương trình Visual Basic của Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM). Nhiều bạn nhỏ, thấy Hảo có sức học như vậy không khỏi ngạc nhiên. Trong lớp lượng bài vở, kiến thức đã khá nhiều thì lấy đâu sức lực và thời gian để học thêm. Nhưng cậu bé Hảo luôn chứng tỏ em có khả năng làm được nhiều thứ. Không chỉ giỏi về tin học, điện tử, Hảo còn là học sinh giỏi trong suốt 5 năm liền. Em học đều tất cả các môn, riêng với môn toán, năm học qua, em giành được điểm trung bình tuyệt đối là 10.
Ngoài giờ học, mỗi khi được rảnh rỗi một chút là Hảo chạy ra chợ Nhật Tảo (quận 10) để mua các vật dụng về để sáng chế các loại mạch. Thấy mẹ mỗi khi ra khỏi nhà thường quên tắt các thiết bị sử dụng điện nên Hảo nảy ra ý tưởng: "Nếu có một thiết bị kiểm tra điện từ xa thì hay quá." Vậy là em nghĩ cách chế tạo ra bảng điều khiển thông minh. Đây là loại bảng điều khiển rất đặc biệt, có thể kiểm tra tắt, mở các thiết bị trong nhà bằng máy tính hoặc điện thoại. Người dùng có thể quản lý các thiết bị điện trong nhà, dùng để chống trộm và phòng ngừa hỏa hoạn. Với sáng chế này, Hảo vinh dự nhận hai giải nhất từ Hội thi tin học trẻ toàn quốc và cuộc thi Sáng tạo trẻ dành cho thanh thiếu nhi TP.HCM năm 2012.
Nói về bảng điều khiển thông minh, Hảo tâm sự: "Em muốn sau này, mình chỉ cần gửi một tin nhắn qua module sim 900 là có thể biết các thiết bị điện trong nhà đã được tắt hết chưa. Làm được như vậy sẽ thuận tiện hơn bây giờ rất nhiều vì có nhiều máy điện thoại không có internet". Trong đợt triển lãm về công nghệ xanh vừa qua, đã có nhiều người ngỏ ý muốn mua lại thiết bị này của em.
Còn rất nhiều dự định đang ấp ủ, Hảo bảo với chúng tôi em muốn làm một phần mềm khám phá tự nhiên dành cho các bạn nhỏ. Mỗi ngày, cậu bé này không ngừng nghĩ ra nhiều thiết bị để ứng dụng vào cuộc sống. Vì còn khá nhỏ tuổi, nên đôi lúc em cũng gặp phải nhiều khó khăn do không có người hướng dẫn. "Em chưa có điều kiện làm mạch in mà đa phần là các mạch thủ công. Lúc làm có khi được, có khi không, mỗi lần bị lỗi, phải kiểm tra lại rất cực".
Trong khi các nghiên khoa học của Việt Nam luôn bị đánh giá có tính ứng dụng không cao thì một cậu bé còn nhỏ tuổi đã nghĩ ra nhiều phần mềm hữu ích như Hảo đã khiến nhiều người phải khâm phục, kính nể. Được biết, tháng 11 tới đây Kim Hảo sẽ ra Hà Nội để tiếp tục tham dự cuộc thi tin học trẻ với bao hoài bão, khát khao đang chờ đợi ở phía trước.
Tự tin ngồi học chung với sinh viên Nhớ lại buổi đưa con đi đăng ký học thêm ở ĐH Bách Khoa, chị Thảo kể: Tôi rất ngần ngại vì bé còn nhỏ quá, sợ không đủ sức tiếp thu. Vừa tới phòng đăng ký, cô ghi danh cũng ngạc nhiên khi thấy một cậu bé mới chỉ học lớp 5 mà lại dám đăng ký học chung với các sinh viên. Ban đầu, cô ấy không tin cậu bé có thể theo học được lớp này. Nhưng vì Hảo một mực khẳng định sẽ theo kịp chương trình nên cô ấy đành phải nhờ thầy dạy tin học kiểm tra kiến thức. Sau phần kiểm tra, chính thầy dạy tin cũng vô cùng bất ngờ về cấp độ hiểu biết của cậu bé mới 10 tuổi. Và tất nhiên, các thầy cô đồng ý để em đăng ký theo học". Chính tại lớp học này, cậu bé Nguyễn Dương Kim Hảo với tấm bằng xếp loại giỏi đã gây nhiều bất ngờ cho các sinh viên học chung. |
Hợp Phố