Kinh ngạc với thành Huế giữa lòng Sài Gòn

Kinh ngạc với thành Huế giữa lòng Sài Gòn

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

Một kinh thành Huế tráng lệ, cổ xưa giữa lòng Sài Gòn khiến bất kỳ ai tìm đến đều trầm trồ, thán phục.

Cách trung tâm TP.Hồ Chí Minh hơn 20km hướng về khu du lịch Suối Tiên, một kinh thành Huế được tái tạo giống y như thật trong Ngự Lãm Viên hết sức độc đáo. Ngự Lãm Viên thâu tóm tất cả những gì gọi là đặc trưng, tinh túy nhất của cố đô Huế, từ cung điện, lâu đài, lăng tẩm, đền, miếu, chùa chiền…

Xã hội - Kinh ngạc với thành Huế giữa lòng Sài Gòn

Anh Nguyễn Thanh Tùng bên kiến trúc Huế thu nhỏ độc đáo của mình

Ở Sài Gòn mà như đi giữa Huế

Đó là mô hình thu nhỏ tại quận 9, TP.HCM của anh Nguyễn Thanh Tùng, một thạc sĩ Khoa học Kỹ thuật, hiện là Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức. Dẫn chúng tôi vào Ngự Lãm Viên, nơi tái hiện toàn bộ kinh thành Huế, Anh cho biết đã mất khá nhiều thời gian và công sức mới có thể tái hiện lại một kinh thành Huế từ những cung điện, lăng tẩm, đền đài giống y như thật. Trong một khuôn viên chỉ rộng hơn 1.000 m2 tất cả kinh thành Huế được tái tạo lại bởi bàn tay của một nghệ nhân tài hoa và tâm huyết suốt hàng chục năm trời.

Lấy sông Hương làm trục chính, tất cả các kiến trúc của kinh thành Huế được bố trí dọc hai bờ sông này. Điểm nhấn của Huế thu nhỏ là kinh thành Huế được giới hạn bởi ba vòng thành theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ: kinh thành, hoàng thành và Tử cấm thành. Trên mặt thành, có nhiều pháo đài với những khẩu thần công oai vệ. Kinh thành liên lạc với bên ngoài qua 8 cửa trổ theo 8 hướng: chính Đông, chính Tây, chính Nam, chính Bắc, Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc, Đông Nam.

Kinh thành Huế thu nhỏ cũng quay mặt về hướng Nam, dùng núi Ngự Bình làm tiền áng và dùng hai hòn đảo nhỏ trên sông Hương (Cồn Hến và Cồn Dã Viên) làm rồng chầu - hổ phục (tả Thanh Long - hữu Bạch Hổ) để bảo vệ đô, trước mặt là dòng sông Hương chảy vắt ngang. Trong lòng kinh thành, hoàng thành và tử cấm thành gọi chung là đại nội được tái hiện nguyên mẫu thực các công trình kiến trúc như: Ngọ Môn, điện Thái Hòa (nơi cử hành các lễ lớn của triều đình), Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu (nơi thờ các vua chúa nhà Nguyễn), cung Diên Thọ và cung Trường Sanh (nơi ở của hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu), phủ Nội vụ (kho tàng trữ binh khí, nơi ở ngự lâm quân, xưởng chế tạo đồ dùng hoàng gia...), vườn Cơ Hạ, Duyệt Thị Đường, Thái Bình Ngự Lãm Thư Lâu... Ngoài ra còn có các kiến trúc đặc trưng của cố đô Huế, như: chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền, điện Hòn Chén, đình Thương Bạc, phu Văn Lâu... Rồi đến lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định...

Đặc biệt hơn, nằm cạnh kinh thành Huế thu nhỏ là căn nhà rường lớn được xây dựng theo kiến trúc cổ xưa (ba gian, hai chái) thể hiện những tinh hoa và nghệ thuật chạm trổ, kiến trúc cũng như văn hóa đặc trưng riêng của Huế, được đặt giữa khu vườn để khách ghé thăm có thể thưởng thức trà, ngắm cảnh Huế thu nhỏ.

Hồn Huế ẩn ngầm trong kiến trúc cổ xưa

Phải mất rất nhiều năm nghiên cứu tư liệu về Huế, cũng như những kiến trúc cổ xưa anh Tùng mới tái tạo lại được một di tích độc đáo, mang bản sắc văn hóa của kinh thành Huế ở vùng đất hoa lệ Sài Gòn. Anh cho biết: Trải qua nhiều lần thiết kế, lên ý tưởng, khi bắt tay vào thực hiện rồi thất bại, nhưng anh không nản trí. Mỗi lần thất bại anh lại rút ra kinh nghiệm, tiếp tục thực hiện ý tưởng với sự kiên trì không mệt mỏi. Sau 7 năm ròng rã cuối cùng anh cũng đã hoàn thành được tâm nguyện của mình.

Tuy được tái tạo dưới bàn tay con người với tỷ lệ rất nhỏ, nhưng hệ thống thành quách ở Ngự Lãm Viên vẫn giữ nguyên cái mẫu mực của sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây. Những đường nét chạm trổ tinh tế, những đường cong uốn lượn nhẹ nhàng thanh thoát của Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Thái Miếu, Hưng Miếu, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, phủ Nội Vụ… khiến những ai được tận mắt xem cũng đều có cảm giác một kinh thành Huế cổ kính đang sừng sững ngay trước mặt. Thêm vào đó là dòng sông Hương thơ mộng uốn quanh qua Kinh thành, qua Hoàng thành và Tử cấm thành càng làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên của một kinh đô phong kiến thu nhỏ độc đáo này.

Công trình này còn hấp dẫn ở phần ánh sáng, âm thanh và cả tiếng nước chảy róc rách của dòng sông Hương thơ mộng. Vào buổi tối khách thưởng lãm có thể chiêm ngưỡng những ánh đèn huyền ảo và thơ mộng được chiếu rọi khắp kinh thành, hơn nữa còn được thưởng thức âm nhạc mang đậm bản sắc văn hóa của Huế như Nhã Nhạc Cung Đình, Cung Nam, Cung Bắc, những điệu hò gửi gắm niềm nhớ thương da diết về một hoài niệm cố đô xưa… Công trình kiến trúc về Huế thu nhỏ đã tồn tại gần chục năm nay, chịu đựng được thời tiết nắng mưa mà không hề bị hư hại. Kiến trúc này được thiết kế, xây dựng đặc biệt để có thể tồn tại lâu bền với thời gian và nó có thể đứng vững đến trăm năm nếu được quản lý chặt chẽ. Đây thực sự là nơi thu hút tình cảm của những người con hướng về cội nguồn, để mọi người con của Huế luôn nhớ và tự hào về cố đô cổ xưa.

Mai Phong


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.