Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến 20/11, cả nước có 29 tỉnh, thành phố đang dạy học trực tiếp, 16 tỉnh, thành phố kết hợp giữa dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình, 18 tỉnh, thành phố dạy trực tuyến và qua truyền hình.
Để đảm bảo an toàn, không ca lây nhiễm trong học đường, các địa phương có tổ chức dạy học trực tiếp đã áp dụng những biện pháp như từng bước mở cửa trường học, khoanh vùng diện hẹp, giảm sĩ số, chia ca học, phân luồng,...
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, hiện 97% giáo viên và học sinh bậc THPT trên địa bàn được tiêm mũi 1, chuẩn bị tiêm mũi 2 vắc-xin Covid-19. Đây là điều kiện tốt để mở cửa trường học.
Thành phố từng bước mở cửa trường, trước tiên là học sinh khối lớp 12 đi học lại vào ngày 22/11, đến ngày 29/11 tiếp tục cho học sinh khối lớp 10 và 11 đến trường. Việc đi học lại chỉ triển khai trên các địa phương cấp độ 1, 2. Nhờ vậy, mức độ an toàn và nguy cơ lây nhiễm có thể kiểm soát tốt hơn.
Đối với vùng cấp độ 3, thành phố chưa vội mở cửa trường học. Thành phố nhanh chóng triển khai tiêm phủ vắc-xin cho học sinh các khối lớp 8, 9 để mở cửa trường học trong tháng 12 tới. “Dự kiến sau khi học sinh tiêm mũi 1 được 14 ngày, Sở sẽ đề xuất với thành phố các khối lớp này đến trường. Riêng với các khối lớp còn lại, nếu tình hình dịch bệnh ổn định, Sở GD&ĐT sẽ có kế hoạch cụ thể”, bà Thuận thông tin.
Từng là địa phương ghi nhận gần 300 ca Covid-19 lây nhiễm trong trường học hồi đầu tháng 11, hiện Phú Thọ đã kiểm soát tốt dịch và hầu như học sinh toàn tỉnh đã được đến trường.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cho biết, để đảm bảo an toàn và hạn chế lây nhiễm trong học đường, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, cơ sở y tế và Đoàn thanh niên.
Khi một điểm trường học phát hiện F0, Sở GD&ĐT cho tạm dừng việc học và khẩn trương phối hợp với cơ quan y tế thực hiện test nhanh toàn bộ học sinh, giáo viên. Sau đó, sẽ cho học sinh, giáo viên về nhà tự cách ly trong sự giám sát của Đoàn thanh niên và lực lượng chức năng cơ sở. Trong thời gian cách ly tại nhà, trung bình 3 ngày sẽ cử cán bộ y tế đến lấy mẫu test. Sau 7 - 14 ngày đảm bảo an toàn mới mở cửa trường học trở lại.
"UBND tỉnh và Sở GD&ĐT chủ trương, dịch xảy ra ở trường nào thì khoanh vùng ở trường đó, khoanh vùng theo diện hẹp, kiểm soát chặt chẽ. Tuyệt đối không cứng nhắc, không khoanh vùng toàn bộ trường học trong xã hoặc huyện gây gián đoạn việc học", Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ nhấn mạnh.
Sở cũng yêu cầu các trường phối hợp với cơ quan y tế địa phương tổ chức phun khử khuẩn 1 lần/ ngày toàn bộ trường học có F0, F1. Các trường xung quanh tổ chức vệ sinh trường, lớp học và các khu nội trú, bán trú, nhà ăn.
Các trường bố trí thời khóa biểu, lịch học cho từng khối, lớp đảm bảo phù hợp trong điều kiện phòng, chống dịch, hạn chế tối đa việc học sinh tập trung, tiếp xúc gần với nhau trong thời gian ngoài giờ học. 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định. Đồng thời không tổ chức hoạt động đông người, tiết học ngoại khoá, ngoài trời nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo.
“Chỉ cách ly ca nhiễm, không đóng cửa trường học” là biện pháp được áp dụng tại các trường học ở Quảng Nam. “Mặc dù một số cơ sở giáo dục vẫn xuất hiện F0, F1 nhưng việc tổ chức dạy học của Quảng Nam vẫn diễn ra bình thường”, đó là thông tin Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam Hà Thanh Quốc trao đổi tạo hội nghị với 63 tỉnh thành do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì chiều 9/11.
Cụ thể, khi trường học có F0, F1, Quảng Nam chỉ tổ chức cách ly lớp học có ca nhiễm chứ không đóng cửa cả trường. Việc xét nghiệm, sàng lọc, vệ sinh khử khuẩn được nhanh chóng triển khai để sớm đưa hoạt động dạy học tại lớp học đó trở lại bình thường. Đối với những cơ sở giáo dục tổ chức nội trú, bán trú, hàng tuần địa phương tổ chức test nhanh cho học sinh; khu vực “điểm nóng” thì xét nghiệm 2 lần/tuần để sớm phát hiện ca nhiễm và kịp thời xử lý.
Khoanh vùng hẹp, truy vết nhanh, khử khuẩn khẩn trương, để học sinh trường có ca nhiễm chỉ học trực tuyến 2-3 rồi trở lại trực tiếp, cũng là cách mà ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa đang triển khai. Song song với đó là linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học khi chia đôi lớp và luân phiên mỗi nửa học trực tuyến, trực tiếp vào buổi sáng, chiều.
Tại Nghệ An, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết: “Mở cửa trường học là việc tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Không địa phương nào có thể “mạnh miệng” khẳng định mở cửa trường học sẽ an toàn tuyệt đối, không ca lây nhiễm. Để trường học mở cửa an toàn, cần sự vào cuộc của cả phụ huynh và nhà trường. Nhiều khi nguồn lây nhiễm cho các con không xuất phát từ trong trường, lớp mà từ phụ huynh, xã hội".
Theo ông Thành, thời điểm này cần giảm sĩ số bằng cách chia lớp, chia ca học, phân luồng học sinh và bỏ các hoạt động vui chơi ngoài trời tập trung đông người trong khuôn viên trường học. Sở GD&ĐT tỉnh này cũng yêu cầu các trường quán triệt học sinh thường xuyên theo dõi sức khoẻ, nếu có bất thường như: họ, sốt, đau rát họng... cần báo ngay để có phương án theo dõi, tránh không để sự việc đáng tiếc xảy ra.
Các trường cũng yêu cầu sau giờ học, học sinh trở về ngay, không la cà, tụ tập. Việc đón đưa học sinh được sắp xếp lệch múi giờ, mỗi khối lớp cách nhau 10 đến 15 phút, ông Thành chia sẻ thêm kinh nghiệm.
Đây cũng là cách là được ngành GD&ĐT Phú Yên áp dụng khi cho 8 huyện có cấp độ dịch 1, 2 đi học trở lại trong đầu tháng 11 qua. Theo ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên, dịch bệnh diễn biến phức tạp, để học sinh đến trường an toàn cần thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp 5K như: đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, không tập trung đông đúc, chưa tổ chức ăn bán trú và từng bước mở cửa các khối lớp.
Từ kinh nghiệm cho học sinh lớp 9 ở huyện Ba Vì đi học trực tiếp an toàn, không có ca mắc trong trường từ ngày 8/11, mới đây Hà Nội cho toàn bộ học sinh lớp 9 của 17 huyện, thị xã bắt đầu đến trường.
Đại diện Sở GD&ĐT thành phố cho biết, khi mở cửa trở lại, các trường bắt buộc phải đạt yêu cầu an toàn theo bộ tiêu chí tại hướng dẫn liên ngành của Sở GD&ĐT cùng Sở Y tế Hà Nội, đồng thời lên phương án đảm bảo giãn cách, giảm sĩ số học sinh trên một buổi dạy. Những giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp.
Trong quá trình dạy trực tiếp, nếu xảy ra trường hợp liên quan dịch tễ các ca nhiễm, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện, thị xã tự quyết định dừng việc học trực tiếp để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.
Minh Hoa (t/h theo Lao Động, VTC)