Kinh nghiệm xử lý “bom tiền điện” sinh hoạt của Hàn Quốc

Kinh nghiệm xử lý “bom tiền điện” sinh hoạt của Hàn Quốc

Nguyễn Quốc Hưng

Nguyễn Quốc Hưng

Thứ 4, 08/05/2019 09:43

Vào mùa hè, cũng giống như ở Việt Nam , tiền điện sinh hoạt phải trả của dân Hàn Quốc cũng tăng vọt.Nhưng khác, là ở sự ứng xử của các bộ, ngành liên quan.


Mấy năm nay, vào mùa hè, tiền điện sinh hoạt tăng vọt cũng đang trở thành một chủ đề nóng bỏng trong dư luận Hàn Quốc. Thời tiết oi bức làm cho nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng theo, đặc biệt là đối với các thiết bị điện như điều hòa.

Và cũng y hệt như ở Việt Nam, vấn đề gây tranh cãi chính là cách tính tiền điện sinh hoạt theo bậc thang lũy tiến: “càng dùng nhiều thì đơn giá điện càng tăng.”

Những hàng hóa, dịch vụ thông thường được tính theo một đơn giá nhất định, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, và nếu lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ tăng gấp đôi thì tiền chi trả cũng tăng gấp đôi. Tuy nhiên, giá điện sinh hoạt hộ gia đình lại áp dụng theo bậc thang lũy tiến. Cách tính này chia lượng điện tiêu thụ thành các mức nhất định, nếu vượt qua mức này thì đơn giá điện sẽ tăng theo cấp số nhân. Biểu giá điện lũy tiến cũng chia làm 6 bậc như ở Việt Nam. Hiểu nôm na, dù lượng điện tiêu thụ của gia đình đó chỉ tăng gấp đôi, nhưng số tiền điện họ phải trả cuối tháng lại tăng hơn gấp đôi, có khi gấp ba, gấp bốn. Dân Hàn Quốc gọi sự tăng vọt này là “bom tiền điện”, thậm chí nhiều trường hợp đã kiện Tổng công ty điện lực Hàn Quốc (KEPCO) để phản đối cách tính hóa đơn tiền điện lũy tiến như vậy.

Vậy các bộ ngành liên quan đến điện và giá điện sinh hoạt bên Hàn Quốc đã ứng phó như thế nào?

Ngay từ hồi mùa hè năm 2015, khi dân tình Hàn Quốc bắt đầu kêu ca vì chi phí tiền điện tăng vọt, Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc (chức năng như Bộ Công Thương của Việt Nam), đã giảm giá điện trong mùa hè năm ấy để “đỡ gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.”
Theo đó, giá điện sinh hoạt ở một số bậc lũy tiến sẽ giảm trong 3 tháng 7, 8, 9 (là khoảng thời gian có lượng sử dụng máy điều hòa tăng mạnh), và áp dụng mức giá trung bình khoảng 8.300 won (khoảng 7,6 USD)/tháng, giảm tối đa 11.000 won (khoảng 10 USD) mỗi tháng đối với hộ gia đình 4 người. Mặt khác, Chính phủ cũng hỗ trợ tới 8.000 won (7,3 USD) giá điện hàng tháng cho khoảng 860 nghìn hộ gia đình nghèo như các đối tượng nhận trợ cấp sinh hoạt tối thiểu của Chính phủ.

Những ưu đãi trên có tổng giá trị là khoảng 630 tỷ won (gần 600 triệu USD) cho người dân.

Năm 2016, Chính phủ Hàn Quốc cũng giảm giá điện sinh hoạt trong 3 tháng hè, từ tháng 7 tới tháng 9. Trong 3 tháng này, Chính phủ bổ sung 50 kWh vào mỗi bậc của biểu giá nhằm giảm nhẹ gánh nặng tiền điện cho người dân. Theo ước tính của Chính phủ, điều chỉnh này sẽ giúp giảm 20% tiền điện bình quân của 22 triệu hộ gia đình toàn Hàn Quốc.
Ngoài ra, Chính phủ lập một nhóm công tác đặc biệt về điều chỉnh hệ thống tính giá điện để đưa ra đối sách mang tính dài hạn.

Sau mấy năm liên tục nắng nóng, năm 2018, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định coi nắng nóng như một thảm họa, và lập đối sách liên quan, như tạm thời giảm giá điện cho người dân. Thủ tướng của họ đã nhấn mạnh nắng nóng kéo dài sẽ làm gia tăng gánh nặng về tiền điện và chỉ thị Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên, xem xét có biện pháp quan tâm đặc biệt nhằm giảm thiểu gánh nặng này cho người dân.

Chính giới Hàn Quốc cũng nhất trí phải coi tình trạng nắng nóng ở mức thảm họa, quyết định xúc tiến sửa đổi luật liên quan, để quy định nắng nóng cũng là thiên tai.

"Luật cơ bản về sự cố, thảm họa và quản lý an toàn” hiện hành của Hàn Quốc, không bao gồm nắng nóng trong các loại hình thiên tai, khiến cho công tác phòng ngừa, quản lý, cảnh báo và bồi thường thiệt hại liên quan tới nắng nóng còn gặp nhiều hạn chế.

 Thiết nghĩ, kinh nghiệm của Hạn Quốc rất đáng được tham khảo.Tại sao Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực (EVN) -  thay vì việc luân phiên giải thích cho quần chúng nhân dân vì sao chi phí tiền điện của họ tăng vọt, đổ tại khách quan - không triển khai phương án  hỗ trợ, chia sẻ gánh nặng cho cho người dùng? Tại sao phải đợi đến khi Thủ tướng chính phủ yêu cầu thì các cơ quan này mới chịu  lại lặp lại quy trình chậm rãi giống y hệt với  nhiều sự việc khác: Triển khai kiểm tra rà soát, giám sát, kết luận, công khai, họp bàn xem xét điều chỉnh?
 Xem ra, dù việc tăng giá điện sinh hoạt là cần thiết và bất khả kháng, thì cách ứng xử của các cơ quan liên quan vẫn rất cần được rút kinh nghiệm.

Vũ Thủy

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.