Trong quan niệm dân gian thì xưa “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Có nghĩa dịp Tết cổ truyền và những ngày đầu xuân sẽ là những ngày du xuân, thong thả hưởng thụ. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại dường như quan niệm này không còn phù hợp. Bởi vậy, những năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải sau Tết, phải bắt tay ngay vào việc, không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Không còn thời giờ cho việc thong thả chơi xuân
Chia sẻ ý kiến với PV, chuyên gia kinh tế TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận dưới góc độ kinh tế: “Người Việt hiện nay vẫn tổ chức Tết cổ truyền theo truyền thống của đất nước. Mặc dù, có ý kiến cho rằng nên hợp nhất hai ngày Tết âm lịch và dương lịch, nhưng điều này là khó vì có nhiều ý kiến trái chiều.
Vì khó, nên Nhà nước ta cũng đã tạo điều kiện cho người lao động cả nước năm nay được nghỉ 9 ngày, để gặp gỡ gia đình, bạn bè, nấu những món ăn truyền thống của dân tộc...”, chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh cho biết.
Dù đã trở thành “nếp”, nhưng TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, cần nhìn thẳng vào thực tế. “Trước Tết và sau Tết kỷ luật lao động không được nghiêm, nhiều công chức, công sở không làm việc một cách nghiêm túc. Trong khi đó, chúng ta đang hội nhập sâu, các nước khác không nghỉ Tết, công việc vẫn bình thường. Nên tôi rất ủng hộ việc vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ, và đề nghị thực hiện nghiêm túc việc ra Tết là phải bắt tay vào làm luôn”.
Phân tích tiếp về quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: “Câu nói này hoàn toàn không còn phù hợp với nền kinh tế hoạt động với cường độ cao đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, thời hạn hợp đồng đã ký hay hội nhập để giao hàng cho đối tác nước ngoài... Vì vậy, tôi nghĩ rằng nên thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, Nhà nước cho nghỉ bao nhiêu ngày thì nghỉ đúng ngày. Sau đó, phải đến làm việc ngay, tránh ngày đầu tiên đi làm mà không làm việc, chỉ chúc Tết lẫn nhau, hàn huyên...”. Để làm được những điều này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho hay: “Phải có sự tổ chức có ý thức chứ không phải chỉ nói suông”.
Nhìn dưới góc độ văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa, học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Từ xa xưa trong dân gian đã lưu truyền câu nói “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Có quan niệm này là bởi, trong cơ cấu nghề nghiệp nước ta trước kia, hơn 90% dân số nước ta là làm nông nghiệp. Trước Tết mọi người đã cấy xong hết nên sẽ chơi trong 3 tháng đầu năm. Theo cơ cấu mùa vụ, tháng Giêng là tháng tương đối nhàn rỗi, là thời điểm người dân ít việc phải làm nhất trong năm”.
Tuy nhiên, xét ở góc độ hiện nay, đất nước ta bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì việc chơi cả tháng Giêng không còn phù hợp. Rõ ràng, chúng ta có thể nhìn thấy, việc ăn chơi hết cả tháng Giêng sẽ làm giảm nguồn lực của xã hội và chính bản thân cá nhân. Bởi, thời kỳ nông nghiệp đã qua và hiện đang nhường chỗ cho thời kỳ hậu công nghiệp, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tốc độ phát triển của xã hội, quy mô sản xuất, nhu cầu cống hiến của con người ngày càng cao hơn, nhiều hơn nên cần có sự thay đổi để cho phù hợp”.
Nhớ lại về việc ăn chơi trong ngày Tết xưa để so sánh với Tết ngày nay, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nói: “Nếu như Tết xưa mang tính chất vừa phải, quy mô ăn chơi chỉ như hội hè trong làng xã, thi đấu vật, kéo co... không tốn kém. Nhưng bây giờ, người dân hoàn toàn chủ động vào kinh tế nên có điều kiện đua theo trào lưu. Nên, nếu khuyến khích ăn chơi thì sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Tôi lấy ví dụ, nhà làm nông chơi Tết thoải mái đến hết tháng thì cây lúa vẫn lớn. Thế nhưng, tại nhà máy nếu thiếu công nhân làm chỉ một buổi cũng đã làm thất thoát biết bao nhiêu tiền của rồi”.
Cũng theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, hiện nay, Nhà nước cho người lao động nghỉ 9 ngày, không phải chỉ 4, 5 ngày như trước. Đây là điều kiện để cho con người có thể thư giãn, phục hồi lại sức khỏe, cân đối lại quan hệ, chăm lo cho gia đình sau những ngày lao động vất vả. “Tôi cho rằng, việc kết hợp giữa lao động và nghỉ ngơi là việc làm suốt cả năm, suốt cả cuộc đời. Nếu biết kết hợp hài hòa sẽ đạt được mục đích, xã hội nào biết tận dụng thời gian nghỉ ngơi hợp lý với sự lao động cống hiến một cách tích cực thì xã hội đó mới phát triển”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nhấn mạnh.
Làm ăn chểnh mảng đầu xuân gây bức xúc
ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An bày tỏ: “Trước đây, nhiều ý kiến cũng đã nói về việc không để tháng Giêng là tháng ăn chơi. Có thể bên trên nói nhưng dưới không làm theo, vẫn cứ chơi dài, đi chơi hết lễ hội này đến lễ hội khác. Điều này ảnh hưởng đến năng suất làm việc của các cơ quan công quyền, làm ảnh hưởng đến công việc của người dân bởi người dân đến liên hệ công tác nhưng cán bộ bận đi lễ, chỗ làm không có ai... Nên việc yêu cầu làm việc nghiêm túc sau Tết là hợp lý”.
ĐBQH Bùi Thị An phân tích: “Năm nay, chúng ta được nghỉ 9 ngày liên tiếp, tôi cho rằng 9 ngày nghỉ là quá đủ rồi. Vì chúng ta đang bước vào giai đoạn phát triển kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhà máy mà thiếu một mắt xích, nhân công là sẽ bị gián đoạn. Nên cần phải hành động một cách quyết liệt, từ trên xuống dưới trong việc sau kỳ nghỉ Tết phải bắt tay vào làm việc ngay”.
Theo ĐBQH Bùi Thị An, việc chỉ đạo “không để Tháng Giêng là tháng ăn chơi” của Thủ tướng Chính phủ những năm qua rất được hoan nghênh. Bởi, “thời gian là vàng”, yêu cầu này giúp cán bộ công sở sẽ phải cân nhắc đầu xuân đi lễ ở đâu để không ảnh hưởng đến công việc chung. “Nhưng, tôi đề nghị, khi đã có ý kiến từ Chính phủ thì tổ giám sát giúp việc cho Thủ tướng cần theo dõi các Bộ, ban, ngành, các cơ quan công quyền, công sở thực hiện ra sao... Sau đó, cần công khai minh bạch những đơn vị nào làm tốt, chưa làm tốt. Nếu làm tốt thì tuyên dương, còn chưa làm tốt phải xử lý nghiêm minh”.
Mặc dù nói cần xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, làm ăn chểnh mảng đầu xuân. Thế nhưng, để xử lý trốn việc ngày đầu xuân là điều vô cùng khó, bởi người Việt thường có tính cả nể, ở cơ quan công sở cũng vậy, sếp thường bỏ qua cho nhân viên hoặc lại có câu đùa “Tết mà”, ĐBQH Bùi Thị An cho biết thêm: “Phải áp dụng luôn quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Thủ trưởng cơ quan đứng đầu cơ quan nên phải gương mẫu, thực hiện đúng quy chế của Trung ương, khi thủ trưởng cơ quan gương mẫu thì cấp dưới không ai dám vi phạm, cấp dưới sẽ không dám đi lễ trong giờ, không đi chúc Tết... gương mẫu từ những việc làm nhỏ, hành động nhỏ điều này sẽ giúp cho suy nghĩ “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” dần được loại bỏ”.