Hôm 8/6, SeABank và các đối tác đã khởi công xây dựng tòa nhà văn phòng SeABank Tower ở Quận 1, TP HCM trên khu đất rộng 578,2m2. SeaBank cho biết diện tích sàn xây dựng là 6.388m2, 18 tầng gồm 3 tầng hầm, tầng trệt, tầng lửng, tầng kỹ thuật và 12 tầng làm văn phòng.
Dự án Trụ sở chính Agribank tại lô 23-E3 Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội cũng đang rục rịch triển khai. Sau khi hoàn tất giải phóng mặt bằng lô đất, chốt nhà thầu thiết kế, nhà băng này dự kiến xây trụ sở mới rộng hàng nghìn m2.
Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên 2013 của Ngân hàng Công Thương - Vietinbank vào ngày 13/4, Hội đồng quản trị cũng xin ý kiến cổ đông thông qua dự án Đầu tư xây dựng tòa nhà trụ sở chính Vietinbank tại khu đô thị Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội. Dự án có tổng vốn đầu tư 10.267 tỷ đồng được lấy từ vốn tự có của nhà băng. Công trình được xây dựng trên khu đất có diện tích gần 30.000m2, gồm 2 tòa tháp 68 và 48 tầng.
Hầu hết các ngân hàng trên đều cho biết chưa có trụ sở chính. Chia sẻ về việc triển khai dự án xây trụ sở mới, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Huy Hùng cho biết sau gần 25 năm hoạt động, hiện trụ sở chính của VietinBank vẫn ở Trần Hưng Đạo (Hà Nội) do diện tích nhỏ nên đa số phòng ban phải thuê ở bên ngoài, tản mát nhiều nơi. Việc xây trụ sở mới tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc chỉ đạo điều hành. Lãnh đạo ngân hàng này cũng khẳng định, việc xây dựng tòa nhà hoàn toàn trong tầm kiểm soát và khả năng tài chính của VietinBank. Dự kiến công trình sẽ hoàn thiện vào năm 2015.
Tương tự, Agribank cũng chưa có trụ sở chính nên đang phải tận dụng Trung tâm đào tạo cán bộ của ngân hàng ở khu Mỹ Đình, Hà Nội làm trụ sở, một lãnh đạo của Agribank cho biết.
Việc đầu tư xây dựng trụ sở trong bối cảnh lượng vốn trong hệ thống đang dư thừa được nhiều chuyên gia cho là hợp lý. Một chuyên gia tài chính tại TP HCM cho rằng, ngoài việc tiết giảm chi phí thuê ngoài thì việc xây trụ sở mới này có thể các nhà băng muốn thể hiện hình ảnh về thương hiệu thông qua các tòa trụ sở hoành tráng do chính mình sở hữu.
Tuy nhiên, theo ông, điều này không thực sự cần thiết vì hình ảnh thương hiệu thể hiện qua giá trị hoạt động và phục vụ khách hàng chứ không phải bằng những tòa trụ sở khang trang do chính nhà băng sở hữu. "Phần lớn các ngân hàng ngoại hoạt động tại Việt Nam họ đều thuê trụ sở làm việc nhưng uy tín thương hiệu của họ rất cao. Và bản thân khách hàng giao dịch cũng không quan tâm tòa trụ sở của nhà băng đó là đi thuê hay do chính ngân hàng sở hữu", ông nói.
Do đó, ông cũng không loại trừ khả năng, nguồn vốn trong ngân hàng hiện nay đang khá dư thừa do tín dụng bị tắc, thay vì tìm cách bơm vào nền kinh tế thì các nhà băng tự bơm vào các dự án xây dựng trụ sở của chính mình.
Tuy nhiên, theo công bố, hầu hết các ngân hàng đều khẳng định việc xây dựng dựa trên nguồn vốn tự có (gồm vốn điều lệ, các quỹ và lợi nhuận chưa chia) của mình.
Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được sử dụng quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định. Đây là một trong những nội dung thuộc Nghị định 57 quy định chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 9/2012.
Một chuyên gia ngân hàng tại Hà Nội thì cho biết, các ngân hàng có nhiều cách để "lách". Theo ông, các ngân hàng có thể xây bằng tiền vay thay vì lấy hết nguồn vốn tự có. Ngoài ra, ở nhiều ngân hàng, chủ yếu ở khối cổ phần, họ có thể cho vay công ty con hoặc công ty sân sau đứng ra xây trụ sở rồi thuê lại chính tòa nhà này. "Như vậy vừa đẩy được tín dụng ra vừa không vi phạm quy định", ông cho biết.
Theo VnExpress