Theo thống kê của Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) Hà Nội cho thấy, lượng người thất nghiệp ở Hà Nội đã tăng lên mạnh mẽ trong năm 2011 và có nhiều dấu hiệu tăng nhanh trong tháng đầu của năm 2012.
Tỷ lệ thất nghiệp đang tăng cao tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Năm 2010, số người đăng ký thất nghiệp là 4.192, sang năm 2011, con số này đã là 16.100 người và tháng 1 năm 2012, đã có 1.467 người đăng ký BHTN.
Theo các chuyên gia đánh giá thì nguyên nhân của tình trạng thất nghiệp tăng nhanh trong thời gian qua là do ảnh hưởng chung từ cuộc khủng hoảng kinh tế trên khắp thế giới nói chung và khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam nói riêng. Khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, buộc lòng các doanh nghiệp phải bó hẹp phạm vi, thị trường kinh doanh đồng thời phải cắt giảm nhân công.
Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp của lao động tại Hà Nội tăng nhanh trong thời gian qua còn do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội (chủ yếu là Tổng Cty Dệt may Hà Nội) phải di dời ra vùng ngoại thành. Điều này đã làm một lượng lớn lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng với doanh nghiệp vì không có nhu cầu ra vùng ngoại thành, rất đông những đối tượng đó đã rơi vào tình trạng thất nghiệp vì khó có thể kiếm được việc làm khác trong tình trạng khan hiếm việc làm như hiện nay.
Theo những số liệu từ BHTN của Trung tâm GTVL Hà Nội thì số lượng lao động đăng ký BHTN trong tháng 1/2012 đã lên đến con số 1.467 người. Trong đó, theo thống kê cụ thể, công ty TNHH có số lượng LĐ thất nghiệp đăng ký nhiều nhất lên tới 781 người; công ty cổ phần 529 người và các công ty khác là 151 người. Lượng người thất nghiệp tăng cao đã làm cho chi phí trợ cấp thất nghiệp tăng lên chóng mặt đến mức 7,665 tỷ đồng.
Trường hợp công ty TNHH thương mại và xây dựng Thủy Lộc (nhà phân phối độc quyền mỹ phẩm SHISEIDO) được coi là công ty nhận nhiều tiền trợ cấp thất nghiệp nhất trong tháng 1 khi công ty này có tới 200 nhân công mất việc sau vụ tranh chấp sản phẩm với Nhật Bản.
Theo thống kê, trong hai năm 2010 – 2011, Nhà nước đã phải bỏ ra số tiền hơn 96,6 tỷ đồng cho trợ cấp thất nghiệp và hơn 458 triệu đồng cho việc đào tạo nghề.
Giải pháp cho bài toán thất nghiệp đang là vấn đề đau đầu của các cơ quan chức năng khi lượng người thất nghiệp ngày càng tăng cao và chi phí cho trợ cấp thất nghiệp cũng là một con số không hề nhỏ.
Phan An