Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Tất Thắng - chuyên gia kinh tế, nguyên nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương.
Những thủ tục gian dối, trốn thuế
Thưa PGS, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian gần đây, tình trạng trốn lậu các loại thuế có biểu hiện gia tăng. Ông nghĩ sao về điều này?
Việc trốn lậu thuế bất ở cứ quốc gia nào cũng có. Nhưng, ở những quốc gia mà luật pháp chưa được hoàn chỉnh hoặc thực thi chưa nghiêm, đội ngũ công chức bị thoái hóa thì tình trạng trốn lậu thuế của doanh nghiệp sẽ xảy ra một cách thường xuyên và trắng trợn hơn.
Chuyện trốn lậu thuế ở Việt Nam cũng đã có từ lâu rồi, đặc biệt là đối với việc trốn lậu thuế và lạm dụng thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu... bằng cách làm những thủ tục gian dối, tạm nhập tái xuất. Trên thực tế là doanh nghiệp không hề có việc tái xuất mà vẫn làm thủ tục xuất hàng, tiêu thụ. Gần đây, có thêm những loại thuế như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân... nhiều trường hợp cũng có biểu hiện gian dối. Cái đó đã xảy ra từ lâu ở Việt Nam, nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
PGS.TS Phạm Tất Thắng.
Lý do tình trạng này trở nên phức tạp hơn là gì, thưa ông?
Gần đây, do tình hình kinh doanh cực kỳ khó khăn nên một số đối tượng đã tìm mọi cách để trốn lậu thuế. Cho nên, tình trạng này gần đây rộ lên, phổ biến hơn, trắng trợn hơn và trên thực tế cũng đã bị cơ quan chức năng phát hiện nhiều hơn.
Lý do thứ hai là những năm trước đây, công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng chưa thực sự triệt để, rốt ráo. Từ năm 2012 đến giữa 2013, các cơ quan chức năng mới tập trung tăng cường siết chặt kiểm soát. Vì vậy mới phát hiện ra nhiều trường hợp trốn lậu thuế. Thực tế, tình trạng này đã xảy ra từ trước, nhưng khi tăng cường kiểm tra, kiểm soát thì phát hiện nhiều hơn.
Lý do thứ ba, gần đây, do hội nhập kinh tế quốc tế, thuế xuất nhập khẩu của chúng ta đã giảm nhiều. Do vậy, các doanh nghiệp thường tập trung gian dối các khoản thuế như: Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thậm chí là thuế môi trường... Từ đó, chúng ta nhận thấy tình trạng này nếu như tăng cường kiểm tra sẽ phát hiện ra nhiều hơn nữa.
Một số giải pháp cấp bách
Vậy, theo PGS, để giải quyết dứt điểm tình trạng này thì cần có những biện pháp gì?
Muốn giải quyết vấn đề này cần có các biện pháp cụ thể. Theo tôi, biện pháp thứ nhất là tìm mọi cách để điều chỉnh, bổ sung chính sách thuế, bởi chính sách thuế của chúng ta đang có nhiều bất cập. Ví dụ, thuế quá cao, thuế chồng thuế, tận thu khiến doanh nghiệp không còn lợi nhuận mà đáng ra trong lúc kinh tế khó khăn phải nuôi dưỡng nguồn thu và chính sách khoan, giảm thuế. Thực tế cho thấy, nếu quy định mức thuế thấp, hợp lý thì việc thu sẽ có hiệu quả hơn, số tiền thu được sẽ nhiều hơn. Giả dụ như thuế trước bạ mua xe, đánh càng cao thì người ta càng trốn, không khai báo nhưng khi mức thuế giảm đi, họ sẽ khai báo một cách đúng hơn và nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Hiện nay, chúng ta đã có ý thức về việc này và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống. Thế nhưng, có lẽ chính sách thuế của chúng ta cần đi theo một hướng nữa là khoan, giảm thuế hơn nữa. Bên cạnh đó là nuôi dưỡng nguồn thu để thu chứ không phải tận dụng đến mức doanh nghiệp không đủ sống. Đội ngũ cán bộ thuế của chúng ta cũng có một số trường hợp tham nhũng, vì lợi ích cá nhân. Thậm chí, hiện tượng "cưa đôi" giữa doanh nghiệp và người thu thuế là có. Cái này cần xử lý nghiêm, đội ngũ thuế cần nâng cao phẩm chất. Tuy nhiên, điều này cũng không phải ngày một, ngày hai mà có thể làm được.
Bên cạnh đó, cần tăng cường rà soát, kiểm tra chéo việc thu thuế, thực hiện kiểm tra thuế. Ai là người kiểm tra thuế, xem lực lượng cán bộ thuế kiểm tra doanh nghiệp có thu thuế được cho Nhà nước hay không? Do đó, tăng cường thanh kiểm tra khâu này, nếu không ngân sách sẽ bị thất thu lớn.
Cuối cùng là ý thức của doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay. Chúng ta vẫn thực hiện khẩu hiệu nộp thuế là nghĩa vụ của toàn dân, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn trốn thuế. Vì vậy, cần tăng cường nhận thức của doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Tôi nghĩ rằng, đến năm 2014 nếu như tình hình kinh tế khá lên thì nguồn thu của Nhà nước sẽ được cải thiện hơn, mức thuế giảm đi thì tình hình sẽ phát triển theo chiều hướng tốt hơn, nhiều doanh nghiệp không còn phải tìm mọi cách để trốn thuế dẫn đến vi phạm pháp luật.
Xin cảm ơn PGS!
Chí Công