Kinh tế Trung Quốc chịu thiệt hại vì chiến lược Zero-Covid

Kinh tế Trung Quốc chịu thiệt hại vì chiến lược Zero-Covid

Phạm Thị Thu Thanh

Phạm Thị Thu Thanh

Thứ 5, 24/03/2022 10:30

Trong tháng 3, Trung Quốc đã áp đặt biện pháp phong tỏa tại một số thành phố quan trọng như trung tâm công nghệ Thâm Quyến và trung tâm sản xuất ô tô Trường Xuân.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang chuyển sang trạng thái sống chung với dịch bệnh, Trung Quốc vẫn kiên định theo đuổi cách tiếp cận "Zero Covid". Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trong cuộc họp với các quan chức hàng đầu vào tuần trước: "Chúng ta phải luôn đặt tính mạng và cuộc sống người dân lên hàng đầu, kiên trì với chiến lược Zero Covid-19 linh hoạt, đồng thời kiểm soát đà lây nhiễm đại dịch càng sớm càng tốt".

Với mục tiêu giảm số ca lây nhiễm xuống bằng 0, Trung Quốc đã liên tục áp dụng các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm diện rộng, truy vết để khoanh vùng và loại bỏ ổ dịch ngay khi phát hiện. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch mới nhất, bắt nguồn từ biến thể Omicron với khả năng lây truyền cao và sự gia tăng đột biến các trường hợp không triệu chứng, đang thách thức chiến lược đó.

Thế giới - Kinh tế Trung Quốc chịu thiệt hại vì chiến lược Zero-Covid

Công nhân mặc thiết bị bảo hộ cá nhân thực hiện khử trùng một xe tải đi vào kho của JD.com tại Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 9/3/2022. Ảnh: Bloomberg.

Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm kiểm soát sự lây lan Covid-19 tại Trung Quốc đã ảnh hưởng đến nhiều hoạt động sản xuất của nhà máy và sức tiêu dùng nước này. Thông báo của các công ty cùng những chỉ số đã thể hiện sản lượng và chi tiêu trong tháng 3 sụt giảm, sau khi Trung Quốc áp đặt biện pháp phong tỏa tại một số thành phố quan trọng như trung tâm công nghệ Thâm Quyến và trung tâm sản xuất ô tô Trường Xuân.

Với việc Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết giảm thiểu thiệt hại kinh tế do tác động của chiến lược “Zero-Covid”, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp để chỉ phong tỏa Thâm Quyến trong vòng một tuần đồng thời tránh đặt Thượng Hải trong tình trạng phong tỏa hoàn toàn bất chấp sự bùng phát Covid. Điều đó cho thấy các quan chức đang nỗ lực nhằm giảm thiểu những tác động đặc biệt với nhà máy. Đối với người tiêu dùng, những ảnh hưởng đến tâm lý có thể còn kéo dài. Bởi mọi người vẫn thận trọng với việc du lịch và mua sắm trong khi tỉ lệ thất nghiệp gia tăng.

Bà Liu Peiqian, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại Ngân hàng NatWest Group Plc, cho biết: “Tiêu dùng có thể vẫn yếu và chỉ phục hồi nhẹ sau khi đợt bùng phát dịch được kiểm soát”. Bà chia sẻ thêm rằng ngành dịch vụ và du lịch sẽ khó phục hồi hoàn toàn, bởi rất khó để thực hiện một cách đồng bộ và ổn định các chính sách du lịch.

Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs Group Inc ước tính rằng các khu vực được xếp loại có nguy cơ vi-rút trung bình và cao, đồng nghĩa là phải đối mặt với các biện pháp hạn chế, hiện chiếm hơn 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc. Các nhà kinh tế của ngân hàng cho biết trong một ghi chú hôm 23/3 rằng nếu những khu vực này bị áp dụng các lệnh đóng cửa trong vòng 4 tuần, GDP hàng năm Trung Quốc sẽ sụt giảm 1 điểm phần trăm.

Theo kết quả khảo sát được công bố bởi China Logistics Information Index Co và một viện nghiên cứu liên kết với Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ số đo lường hoạt động của các ngành công nghiệp mới nổi Trung Quốc đã giảm còn 49,5 vào tháng 3, với mức 50 là giới hạn phân định tình trạng mở rộng hay thu hẹp. Theo báo cáo, biện pháp hạn chế đã khiến chuỗi cung ứng rạn nứt và tác động của đợt bùng phát Covid-19 gần đây là tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2020. Cuộc khảo sát bao gồm các công ty trong 7 ngành công nghệ cao như công nghệ xanh, công nghệ sinh học, sản xuất thiết bị cao cấp, phương tiện năng lượng mới…

Theo công ty dữ liệu World Economics, cuộc thăm dò ý kiến từ những giám đốc kinh doanh trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau cho thấy một phần ba các công ty chịu ảnh hưởng bởi sự bùng phát trở lại của vi-rút vào tháng 3. Lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với chỉ số đo lường nhân sự giảm xuống mức thấp nhất trong 18 tháng.

Các lệnh hạn chế tại Thâm Quyến đã khiến nhà cung cấp của Apple là Hon Hai Precision Industry Co chỉ hoạt động trở lại một phần vào tuần trước. Tại Trường Xuân, nơi vẫn đang phong tỏa, các nhà sản xuất ô tô như Toyota Motor Corp và Volkswagen AG đã phải ngừng hoạt động .

Ít nhất 28 công ty niêm yết trên các sàn giao dịch đại lục thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh vào tháng 3, bao gồm các nhà sản xuất linh kiện điện tử, công ty hóa dầu và nhà cung cấp thiết bị môi trường. Trong khi nhiều công ty không tiết lộ tác động trực tiếp, một số ít công ty báo cáo việc tạm dừng dây chuyền sản xuất đã ảnh hưởng đến một nửa tổng doanh thu. 

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất tại 5 tỉnh Cát Lâm, Thượng Hải, Quảng Đông, Giang Tô và Thiểm Tây là thuộc các ngành như nguyên liệu hóa chất và sản phẩm hóa chất, thiết bị vận tải, ô tô, gỗ và các sản phẩm từ gỗ.

Thế giới - Kinh tế Trung Quốc chịu thiệt hại vì chiến lược Zero-Covid (Hình 2).

Người dân xếp hàng để được xét nghiệm Covid-19 tại Thâm Quyến, Trung Quốc, vào ngày 14/3/2022. Ảnh: AFP.

Những tác động đến ngành logistics cũng là một mối quan ngại lớn khác. Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng sự gián đoạn trong lĩnh vực này và các cảng “có khả năng trầm trọng hơn nhiều” so với thiệt hại vào đầu năm 2021 và mùa hè năm ngoái.

Theo bài viết đăng trên website thông tin thương mại điện tử Paidai, hoạt động giao hàng tại gần một nửa đất nước đã bị hạn chế kể từ ngày 17/3. Điều này khiến các nhà cung cấp trực tuyến đối mặt với tình trạng số lượt khách và đơn đặt hàng sụt giảm trong khi gia tăng yêu cầu hoàn tiền.

Mạng lưới giao thông công cộng ở trung tâm công nghệ Thâm Quyến đã tạm dừng vào tuần trước, trong khi lượng hành khách sử dụng tàu điện ngầm ở Thượng Hải sụt giảm mạnh.

Lĩnh vực khách sạn và du lịch cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều khu vực hạn chế di chuyển nhằm ứng phó với vi-rút lây lan. Số liệu từ công ty phân tích STR cho thấy tỉ lệ lấp đầy phòng khách sạn tại Thượng Hải, Thâm Quyến và tỉnh Cát Lâm đã sụt giảm trong hai tuần đầu tháng 3. Trên toàn quốc, tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn trung bình đã giảm còn 44% trong bảy ngày tính đến 12/3, giảm từ mức 52,9% hai tuần trước đó.

Các nhà phân tích thuộc ngân hàng đầu tư cấp cao China International Capital Corporation cho biết trong một ghi chú tuần này rằng khối lượng kinh doanh được ghi nhận bởi hệ thống quản lý nhà hàng của Công ty Công nghệ Thông tin Delicious No Wait (Thượng Hải) đã giảm 44% trong tuần 18/3 so với tuần cuối cùng tháng 2. Theo trang web của công ty, Delicious No Wait hiện ghi nhận dữ liệu từ hơn 100.000 nhà hàng.

Lượng khán giả đến rạp phim cũng giảm mạnh. Theo tính toán của hãng Bloomberg dựa trên số liệu từ công ty bán vé Maoyan, doanh thu phòng vé Trung Quốc trong ba tuần đầu tháng 3 đạt 710 NDT (111 triệu USD), giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà phân tích của Nomura Holdings Inc nhận định: “Chúng tôi cho rằng chi phí của chiến lược Zero-Covid sẽ tăng lên đáng kể khi lợi ích của nó giảm xuống.  Điều này khiến Bắc Kinh khó đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm 2022".

Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, Foreign Policy, News NPR)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.