Nền kinh tế Trung Quốc phục hồi với tốc độ nhanh hơn dự kiến trong quý III/2022, nhưng các biện pháp hạn chế Covid nghiêm ngặt, khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu rộng và nguy cơ suy thoái toàn cầu đang thách thức những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy sự hồi sinh mạnh mẽ trong năm tới.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc tăng 3,9% trong quý III/2022, theo dữ liệu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 24/10. Trước đó, một cuộc thăm dò của Reuters với các nhà kinh tế cho thấy họ kỳ vọng nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 3,4%.
Dữ liệu ban đầu được lên kế hoạch công bố vào ngày 18/10, nhưng đã bị trì hoãn không có lời giải thích nào.
Nền kinh tế Trung Quốc có cải thiện so với mức 0,4% được ghi nhận trong quý II, khi các vụ phong tỏa ở các thành phố lớn như Thượng Hải khiến hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa và hàng triệu người mắc kẹt ở nhà trong thời gian dài.
“Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc đã vượt qua những tác động tiêu cực của nhiều cú sốc cao hơn dự kiến và các chỉ số chính đã trở nên ổn định và nằm trong phạm vi hợp lý, và các yếu tố tích cực đã được tích lũy”, NBS cho biết trong tuyên bố của mình.
Những con số thực tế
Tuy nhiên, con số của quý III vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng 4,8% được ghi nhận trong 3 tháng đầu năm, trước khi các biện pháp đóng cửa do Covid lan rộng, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Con số tăng trưởng được công bố cũng đưa mức tăng trưởng tổng thể trong 9 tháng đầu năm 2022 ở mức 3,0%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% mà các nhà lãnh đạo quốc gia này đặt ra hồi tháng 3.
Dữ liệu thương mại hôm 24/10 cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại trong tháng 9. Xuất khẩu tính theo USD tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ 7,1% trong tháng 8, trong khi nhập khẩu tăng 0,3%, không thay đổi so với tháng trước.
Doanh số bán lẻ tăng 2,5%, thiếu dự báo tăng 3,3% và giảm so với tốc độ 5,4% của tháng 8, nhấn mạnh nhu cầu trong nước vẫn còn mong manh.
Tỷ lệ thất nghiệp thành thị được khảo sát đã tăng lên 5,5% vào tháng 9, cao nhất kể từ tháng 6, với tỷ lệ thất nghiệp cho những người tìm việc trong độ tuổi từ 16 đến 24 là 17,9%.
Theo dữ liệu của NBS, giá nhà ở Trung Quốc đã giảm tháng thứ 13 liên tiếp trong tháng 9. Đầu tư vào bất động sản giảm 8% trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước. Bất chấp các chính sách của chính phủ Trung Quốc nhằm hỗ trợ thị trường, nhiều chủ đầu tư đang vật lộn hoàn thành dự án trong khi nợ nần chồng chất. Niềm tin của người mua nhà vào giá nhà trong tương lai đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Phục hồi nhờ chính sách
Kể từ cuối tháng 5/2022, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đưa ra hơn 50 biện pháp hỗ trợ kinh tế nhằm giảm bớt áp lực việc làm. Những biện pháp này cho thấy họ không còn quá coi trọng việc đạt được mục tiêu tăng trưởng đã được đặt ra vào tháng 3.
Các khoản vay ngân hàng mới ở Trung Quốc trong tháng 9 tăng gần gấp đôi so với một tháng trước và vượt xa kỳ vọng, nhờ những nỗ lực của ngân hàng trung ương nhằm vực dậy nền kinh tế.
“Theo quan điểm của chúng tôi, cần phải có thêm động lực chính sách để thúc đẩy kinh tế phục hồi, nhưng việc cắt giảm lãi suất khó có thể xảy ra trong bối cảnh ngân hàng trung ương toàn cầu đang tăng lãi suất mạnh mẽ”, ông Hao Zhou, chuyên gia kinh tế trưởng tại Guotai Junan International cho biết.
“Bài học lớn nhất” là “Covid vẫn đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế”, ông Iris Pang, chuyên gia kinh tế trưởng của Greater China tại ING Groep NV cho biết. Ông cũng lưu ý rằng sự phục hồi của quốc gia này chủ yếu dựa vào đầu tư và sản xuất công nghiệp.
Việc giảm tình trạng tắc nghẽn tại các cảng đã giúp khôi phục chuỗi cung ứng, góp phần thúc đẩy sản lượng công nghiệp tăng lên. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ đã bị sụt giảm do các biện pháp kiểm dịch, ông Pang cho biết.
Bà Michelle Lam, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại Societe Generale SA cho biết, “Đối với chính sách, xoay trục từ chính sách Zero Covid và giải quyết cuộc khủng hoảng tài trợ của các nhà phát triển vẫn quan trọng nhất”.
Tại Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trng Quốc, các quan chức nước này cho biết, họ sẵn sàng chấp nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn trong tương lai để đáp ứng các mục tiêu phát triển rộng lớn hơn, chẳng hạn như đầu tư vào công nghệ cao và phân phối lại của cải một cách đồng đều hơn.
Khó khăn vẫn bủa vây
Bất chấp sự phục hồi trở lại, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức trên nhiều mặt cả trong và ngoài nước. Chiến lược zero Covid của Trung Quốc và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm áp lực bên ngoài từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và sự suy thoái toàn cầu do hệ quả của việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát..
Các nhà kinh tế cho rằng những khó khăn đối mặt với nền kinh tế Trung Quốc đang gia tăng, ảnh hưởng đến tăng trưởng trong năm nay và năm sau. Sự sụp đổ của thị trường bất động sản đã làm tổn hại đến hoạt động xây dựng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và tăng thêm áp lực tài chính đối với các chính quyền địa phương.
Các hộ gia đình Trung Quốc cũng đã cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh bất động sản sụt giảm nghiêm trọng và nguy cơ mọi hoạt động trong cuộc sống hàng ngày bị hạn chế nhằm dập tắt các đợt bùng phát Covid-19. Nhu cầu của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang giảm dần khi Mỹ, châu Âu và các nền kinh tế khác đối mặt với lạm phát tăng cao và lãi suất tăng.
Quan trọng hơn, các quan chức Trung Quốc đã báo hiệu họ sẽ không khoan nhượng đối với Covid-19. Nhiều nhà kinh tế nghi ngờ khả năng các chính sách hạn chế tăng trưởng sẽ được nới lỏng trước năm 2023.
Nền kinh tế Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức dài hạn và một số nhà kinh tế cho rằng khó có khả năng phục hồi tốc độ tăng trưởng nhanh chóng mà nó đã đạt được trong 20 năm qua.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc cho năm nay và năm tới. IMF cho biết họ dự kiến nền kinh tế sẽ tăng trưởng 3,2% vào năm 2022 (giảm từ mức dự báo 3,3%) vào tháng 7 và 4,4% vào năm 2023 (giảm từ mức 4,6%).
Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, Bloomberg, WSJ)