Báo cáo mới công bố ngày 27/5 của Ngân hàng ANZ cho thấy, chỉ số niềm tin tiêu dùng Việt Nam duy trì mức 140,2 điểm trong tháng 5, cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn là 135,2 điểm.
Ông Glenn Maguire - Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ANZ nhận định: "Nền kinh tế Việt Nam hiện đã chạm đáy và dự đoán sự phục hồi sẽ tiếp diễn trong giai đoạn 2015 và 2016".
Theo Glenn Maguire, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn khả quan. Trong đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng và chi tiêu sẽ là 2 yếu tố đóng vai trò chính trong việc đảm bảo cho nền kinh tế giữ nguyên trạng thái ở trung hạn.
"Việt Nam đang ngày càng nổi bật lên trở thành nền kinh tế hấp dẫn nhất Đông Nam Á", vị này đánh giá.
Kinh tế Việt Nam đã chạm đáy và sẽ phục hồi trong thời gian tới
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng cùng kỳ hai năm gần đây (2013 là 4,9%; 2014 là 5,7%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,1%. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định trước Quốc hội, với đà phục hồi tăng trưởng trong quý I/2015, kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định và tạo điều kiện cho sự phát triển nền kinh tế trong thời gian tới.
Theo khảo sát của ANZ, khi được hỏi về tình hình tài chính cá nhân hiện tại, 36% (tăng 1%) người tiêu dùng Việt Nam cho rằng tình hình tài chính gia đình họ hiện tại “tốt hơn” năm trước. Trong khi đó có 18% (giảm 1%) nói “xấu hơn”. Đây là mức thấp nhất cho chỉ số này trong hơn 1 năm qua, kể từ tháng 3/2014.
Có 56% (giảm 1%) người tiêu dùng được hỏi kỳ vọng rằng tình hình tài chính gia đình họ sẽ “tốt hơn” vào thời điểm này trong năm tới. Trong khi chỉ có 5% (giảm 1%) dự đoán rằng tình hình tài chính của họ sẽ “xấu hơn”.