Còn được gọi là kính chuyển đổi hay kính điện từ, loại kính thông minh này có thể được sử dụng trong công sở, văn phòng hoặc trong nhà. Nhìn bề ngoài, loại kính này như bao loại kính khác, cho người ta thấy được phía sau tấm kính. Nhưng chỉ với một cái bật công tắc, bạn có thể chuyển trạng thái kính từ trong suốt sang mờ đục.
Thực chất, ở giữa 2 tấm kính có một màn tinh thể lỏng. Màng này sẽ trong suốt khi kính được kết nối với một nguồn điện. Khi người dùng ngắt nguồn điện đó, màng này sẽ mờ đục do các tinh thể lỏng bị mất trật tự liên kết. Ánh sáng không thể đi qua các tinh thể này.
Vào giữa năm ngoái, các nhà khoa học của ĐH Stanford đã nghiên cứu ra loại kính cửa sổ điện có thể chuyển từ trong suốt sang mờ đục và đã ứng dụng trên máy bay Boeing 787 Dreamliner.
Tuy nhiên, công nghệ này có 2 khuyết điểm. Đầu tiên là vật liệu để làm kính này rất đắt tiền và tiếp theo là thời gian đổi màu kính khá lâu, có thể lên tới 20 phút. Lớp hóa chất mà các nhà khoa học sử dụng giữa hai tấm kính cũng bị lão hóa theo thời gian nên khả năng đổi màu không còn được nhanh nhạy.
Người đứng đầu nghiên cứu này, nhà khoa học McGehee nói: “Chúng tôi rất vui vì loại công nghệ cửa sổ mới này có tiềm năng tối đa hóa khả năng điều hòa ánh sáng đi vào phòng hay vào bên trong các phương tiện, sẽ tiết kiệm được khoảng 20% chi phí làm mát và làm nóng, thậm chí có thể thay đổi cách nhân loại sử dụng kính râm”.
Vật liệu thử nghiệm của kính này rất bé, chỉ có kích thước bằng cái cửa sổ nhỏ nên khó áp dụng lên đồ vật gì. Hiện chưa rõ loại kính thông minh mới ra đời này có liên quan gì đến loại kính đã được các nhà khoa học Stanford thử nghiệm hồi năm ngoái hay không.