Kom Tum: Người dân “ôm nợ” vì phát hiện gỗ khủng

Kom Tum: Người dân “ôm nợ” vì phát hiện gỗ khủng

Hồ Hải Nam

Hồ Hải Nam

Thứ 4, 25/05/2022 15:19

Một người dân bỏ ra gần 100 triệu đồng để trục vớt khúc gỗ bị vùi dưới ruộng, khi đem về nhà thì bị tịch thu.

Ngày 25/5, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Minh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Sa Thầy, tỉnh Kom Tum cho biết: "Sáng nay, tôi đã đọc được thông tin mà báo chí phản ánh. Tôi đã chỉ đạo cho lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình, văn bản xem việc tạm giữ khúc gỗ người dân trục vớt được đã đúng quy trình hay chưa".

Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội xôn xao về việc một người dân trong quá trình cải tạo ruộng thì phát hiện một cây gỗ lớn bị vùi sâu dưới đất.

Sau đó, người này đã báo cáo với UBND xã và bỏ chi phí 90 triệu đồng để thuê người, máy móc trục vớt lên. Sau một tháng không thấy động thái gì từ chính quyền xã nên ông thuê xe chở về nhà, thì bị lực lượng công an lập biên bản tạm giữ khúc gỗ nói trên. 

Dân sinh - Kom Tum: Người dân “ôm nợ” vì phát hiện gỗ khủng

Khúc gỗ người dân trục vớt được. 

Nhiều người bày tỏ quan điểm cho rằng, cơ quan chức năng đã nguyên tắc "cứng nhắc" xử lý không thấu tình đạt lý. Bản thân người trục vớt khúc gỗ cho rằng, cơ quan chức năng xử lý như thế khiến ông bị thiệt hại nặng nề về kinh tế. 

Chia sẻ với PV về vụ việc trên, ông Lê Quang Nam, 44 tuổi, trú tại thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, Kon Tum cho biết, vào cuối tháng 3 vừa qua, ông đi làm trên rẫy thì phát hiện một cây gỗ bị vùi lấp dưới lòng đất. Cây gỗ dài khoảng 12m, đường kính khoảng 0,7m, bị mục nát phần gốc.

Ông Nam đã đến UBND xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy trình báo sự việc và xin phép được đào cây gỗ trên về làm đồ gia dụng.

Nhận được trình báo của ông Nam, UBND xã Sa Sơn tổ chức đến hiện trường xác minh. UBND xã Sa Sơn đã lập biên bản xác định nơi phát hiện cây gỗ trên không phải đất rừng và cây gỗ này không xác định được thời gian, khối lượng cũng như nguồn gốc.

Trong biên bản ghi rõ, sau khi đào cây lên, ông Nam phải báo cáo về UBND xã để lực lượng chức năng xuống kiểm tra cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Được sự cho phép, ông Nam thuê máy móc và nhân công đào cây gỗ lớn với tổng chi phí khoảng 90 triệu đồng.

Sau khi đào xong, ngày 8/4, ông Nam đến UBND xã Sa Sơn thông báo nhưng mãi không thấy cơ quan chức năng đến kiểm tra, xác nhận. Ngày 20/5, ông Nam liền vận chuyển cây gỗ về một xưởng gỗ để cưa xẻ làm đồ gia dụng.

Lúc này, Công an huyện Sa Thầy đã đến kiểm tra và lập biên bản tạm giữ cây gỗ lớn trên vì hồ sơ, nguồn gốc lâm sản không đầy đủ, chưa rõ ràng. Số gỗ đã cưa xẻ được đưa về trụ sở Công an huyện Sa Thầy để bảo quản trong thời gian xác minh nguồn gốc.

Dân sinh - Kom Tum: Người dân “ôm nợ” vì phát hiện gỗ khủng  (Hình 2).

Cơ quan công an tạm giữ xác minh làm rõ nguồn gốc gỗ.

Trao đổi về vụ việc, đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy cho biết: "Ngay sau khi nắm được sự việc, đơn vị đã phối hợp cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, xác minh. Vụ việc đã được chuyển cho Công an huyện Sa Thầy để tiến hành điều tra nguồn gốc cây gỗ".

Trả lời về vấn đề này, một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản phải theo căn cứ do pháp luật quy định.

Do vậy, khi một người phát hiện được tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm chưa thể là chủ sở hữu tài sản đó. 
 
Bộ luật Dân sự quy định, người phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định: 
 
Tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng 10 lần mức lương cơ sở và 50% giá trị của phần vượt quá 10 lần mức lương cơ sở, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.
 
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.