Sẵn sàng di dời
Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Kon Tum liên tục xuất hiện những cơn mưa lớn kéo dài, nguy cơ xảy ra sạt lở, thiên tai rất lớn. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là những huyện vùng núi thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai chủ động ứng phó.
Trước đó, thực hiện Công điện số 4978/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 13/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn. Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum giao UBND các huyện, thành phố, nhất là các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các huyện cần kịp thời thông tin, cảnh báo đến các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn biết, ứng phó thiên tai. Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động phương án di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Tập trung rà soát, bổ sung các phương án ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương theo phương châm "4 tại chỗ".
Tu Mơ Rông là một trong những huyện miền núi thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ quét mỗi mùa mưa bão.
Để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất rủi ro xảy ra, trao đổi với Người Đưa Tin ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: " Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huuyện cử cán bộ đến tận thôn làng tuyên truyền vận động người dân tăng cường các biện pháp kịp thời ứng phó mưa, bão.
Bên cạnh đó, tại những điểm có nguy cơ sạt lở cao, xã đã làm công tác tư tưởng vận động người dân chủ động di dời. Xã cũng đã bố trí nhiều vị trí dự phòng, chuẩn bị lương thực, thực phẩm đầy đủ, khi có sự cố xảy ra sẽ kịp thời đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của bà con. Hiện tại, trên địa bàn huyện chưa ảnh hưởng gì nhiều, chỉ một số ví trí đường tránh có sạt lở ở mức độ khắc phục được".
Tương tự tại xã Đắk Plô (huyện Đắk Glây) nằm ở khu vực đồi núi bao quanh, hàng năm thường chịu ảnh hưởng sạt lở nặng nề.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Đắk Plô cho biết: "Hai hôm trước xã vừa nhận được văn bản chỉ đạo của UBND huyện về công tác chủ động, phòng ngừa, ứng phó với mưa bão. Xã đã triển khai tổ phòng chống thiên tai phổ biến đến hầu hết người dân, thực hiện các biện pháp gia cố lại nhà cửa, di dời khỏi khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở. Tại địa bàn xã chịu ảnh hưởng chủ yếu là sạt lở cục bộ, khiến giao thông không di chuyển được. Vật tư, thực phẩm, thuốc men đã bố trí sẵn trong kho, khi cần sẵn sàng đáp ứng cho bà con".
Chủ động ứng phó
Theo ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, nhằm sớm có giải pháp ứng phó với mùa mưa bão đang đến gần, UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, chỉ đạo các đơn vị rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ các địa phương ứng phó với các tình huống thiên tai và tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu.
Sở Công Thương (đối với các hồ chứa thủy điện), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với các hồ chứa thủy lợi) phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, đề nghị các chủ hồ, chủ đập thủy điện, thủy lợi thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chuẩn bị lực lượng, vật tư phương tiện sẵn sàng xử lý ngay từ ban đầu khi có sự cố, tình huống phức tạp xảy ra.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum cung cấp kịp thời các thông tin áp thấp nhiệt đới, diễn biến của cơn bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét để các đơn vị, địa phương liên quan và nhân dân biết, chủ động phòng, tránh kịp thời.
Các sở, ngành liên quan và các Ủy viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương tại địa bàn được phân công phụ trách để kịp thời chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, sạt lở đất, bảo đảm theo quy định.
Hồ Nam