Theo đó, năm 2019, kế toán công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô (công ty Lâm nghiệp Đăk Tô) không tiến hành kiểm kê hàng tồn kho, tài sản cố định.
Đặc biệt, năm 2018, việc phân bổ vốn hàng bán chưa phù hợp, dẫn đến việc thanh toán chi phí chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ chưa đúng theo hợp đồng đã ký.
Ngoài ra, thanh tra tỉnh phát hiện, diện tích quản lý, sử dụng của công ty Lâm nghiệp Đăk Tô có sự chênh lệch lớn nhưng đơn vị này không báo cáo để xử lý. Công ty này chưa theo dõi, cập nhật đầy đủ đối với diện tích bị người dân phá rừng làm nương rẫy...
Kết luận cũng chỉ rõ, mức giao khoán rừng cho cộng đồng dân cư quản lý chưa tạo thu nhập ổn định từ rừng nên còn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép của chính những người tham gia; các hoạt động kiểm tra, tuần tra truy quét các điểm nóng, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng của công ty Lâm nghiệp Đăk Tô chưa được lập kế hoạch cụ thể.
Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô quản lý, sử dụng khoảng 30 nghìn ha trên các huyện Đăk Tô, Sa Thầy, Tu Mơ Rông (đều thuộc tỉnh Kon Tum) với chức năng chăm sóc và trồng rừng, trồng cây dược liệu, khai thác gỗ và lâm sản khác…
Riêng sản phẩm sâm Ngọc Linh được công ty này đưa vào khai thác từ năm 2018.
Tuy nhiên, kết luận cho biết, công tác giám sát chỉ thực hiện với sâm củ các loại (1kg củ sâm Ngọc Linh 6 năm tuổi có giá gần 200 triệu đồng- PV); còn thân, lá và hạt còn bỏ ngỏ, dù sản phẩm phụ này cũng có giá trị (1kg lá sâm Ngọc Linh khô có giá khoảng 40 triệu đồng - PV).
Thái Bình (t/h)