Dự án chậm tiến độ
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, dự án hồ chứa nước Đăk Pokei được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt năm 2018 với tổng vốn thực hiện là hơn 553 tỷ đồng. Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1 (từ 2018 - 2020) tập trung đầu tư các hạng mục để đáp ứng được việc cung cấp nước tưới cho 1.600 ha lúa nước, hoa màu,... và nước sinh hoạt cho 15.000 nhân khẩu tại khu vực xã Đăk Ruồng, Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy.
Giai đoạn 2 triển khai sau năm 2020, sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại để đáp ứng việc cung cấp nước tưới thêm cho 400ha lúa nước, hoa màu…và nước sinh hoạt cho 20.000 nhân khẩu tại khu vực xã Đăk Bla,Tp.Kon Tum.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn đang ngổn ngang, nhiều công trình hạng mục chưa hoàn thành theo dự kiến giai đoạn 1.
Có mặt tại dự án này, theo ghi nhận của PV, đơn vị thi công đang triển khai xây dựng các hạng mục như hồ chứa, đập chính, đập phụ, đường tránh ngập lòng hồ… và nhiều hạng mục khác đang còn ngổn ngang…
Kiến nghị xin điều chỉnh dự án
Trò chuyện với PV, chị Y Cleoh, 42 tuổi, ngụ xã Đăk Ruồng cho biết: “Khi hay tin cơ quan chính quyền triển khai xây dựng hồ chứa, người dân ai cùng vui mừng, mong ngóng từng ngày nhà máy hoàn thành để được sử dụng nước sạch. Thế nhưng, chờ mãi chẳng thấy đâu nghe nhiều người nói với nhau phải mất nhiều năm nữa mới xong, giờ mọi người không háo hức chờ đợi như trước nữa".
Theo chị Cleoh, để có nước sử dụng gia đình chị phải đào giếng nhưng nước nhiễm phèn nên không thể ăn uống. Những ngày mưa, gia đình chuẩn bị thùng, xô chậu để hứng nước rồi sử dụng dần.
Ông Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho biết: “Người dân trong làng họ kỳ vọng lắm, bởi dự án hoàn thành xã sẽ có hơn 700 hộ dân được hưởng lợi. Thế nhưng, đến thời điểm này chưa có một hộ dân nào được sử dụng nước sạch cả. Bà con nơi đây ngày, đêm trông ngóng đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để người dân mạnh dạn mở rộng diện tích cây trồng, đầu tư phát triển kinh tế”.
Lý giải về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết: “Đơn vị đã có kiến nghị xin điều chỉnh chủ trương dự án và đang đợi các cấp chính quyền xem xét. Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ kéo dài từ 2018 - 2025, giai đoạn 2 sẽ là một dự án khác từ năm 2026 trở đi. Nếu được điều chỉnh sẽ phấn đấu cuối năm 2022 đập bắt đầu phục vụ nước cho bà con”.