Khu tái định cư nhiều nỗi lo
Theo tìm hiểu của PV, nhiều năm qua, địa bàn huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum liên tục bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Tình trạng sạt lở núi nghiêm trọng, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn.
Để người dân an cư, lập nghiệp ổn định cuộc sống, UBND tỉnh Kon Tum sau nhiều lần cân nhắc đã quyết định phê duyệt dự án, bố trí sắp xếp chỗ ở cho dân vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đăk Glei.
Theo văn bản Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đăk Glei cung cấp cho PV, dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 918/QĐ-UBND ngày 9/9/2010 và phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 714/QĐ-UBND ngày 18/7/2019 với tổng mức đầu tư là 145,1 tỷ đồng.
Trong đó, riêng kinh phí của dự án được giao giai đoạn 2 là 70 tỷ đồng, ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của huyện được UBND huyện ủy quyền làm chủ đầu tư.
Về khối lượng công việc trong năm 2019 là 70 tỷ đồng. Trong đó, đền bù 10 tỷ đồng và hỗ trợ trực tiếp hơn 7 tỷ đồng.
Cuối năm 2019, dự án bắt đầu thi công bao gồm các công trình dân dụng, công trình giao thông, công trình cấp nước sinh hoạt và công trình cấp điện sinh hoạt.
Dự án bao gồm nhiều khu dãn dân, khu tái định cư tại các xã Đăk Choong, Đăk Nhoong, Đăk Pek, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei.
Tưởng rằng, khi được di dời đến nơi ở mới sẽ thoát khỏi tình trạng thiên tai, lụt lội, sạt lở, an tâm làm ăn phát triển kinh tế.
Thế nhưng, ngay những ngày đầu đặt chân đến khu tái định cư mới, người dân cảm thấy thất vọng vì chẳng khác nào “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Bởi nơi đây, tình trạng sụt lún, sạt lở còn kinh hoàng hơn nơi ở cũ.
Thôn Chung Năng (thị trấn Đăk Glei) là một trong những hạng mục của dự án, khu tái định cư với 65 hộ dân.
Thế nhưng, dự án lộ nhiều bất cập khiến người dân nơm nớp lo sợ. Có mặt tại đây, theo quan sát của PV, những quả đồi trọc dựng đứng, bị khoét sâu lấy đất phục vụ các hạng mục công trình.
Dưới chân đồi, nhiều ngôi nhà đã được dựng lên nhưng người dân không dám ở vì sợ tình trạng sạt lở núi luôn rình rập như “cái bẫy” chết người, có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Đặc biệt, thời gian này mùa mưa bão đang cận kề, khiến hàng chục hộ dân luôn cảm thấy bất an.
Người dân bất an
Anh Bùi Văn Thơm, 39 tuổi, trú tại thôn Chung Năng cho biết: “Nhà cũ của gia đình mình nằm gần sông Pô Kô, hàng năm đối mặt tình cảnh lụt lội, sạt lở rất lo lắng.
Khi được chính quyền địa phương vận động di dời lên nơi ở mới, gia đình mình cũng như bà con nơi đây rất vui mừng. Bởi nơi ở mới cao ráo sẽ không phải chịu cảnh thiên tai đe dọa, an tâm làm ăn. Lên nơi ở mới gia đình mình được chính quyền cấp 1 lô đất và 20 triệu đồng để làm nhà”.
Theo anh Thơm, tháng 8/2020 khi xây xong nhà gia đình anh chuyển đến sinh sống.
Tuy nhiên, mới ở được vài tháng sau một trận mưa lớn quả đồi ngay sau nhà anh đổ sập xuống. May mắn anh và vợ con phát hiện, nhanh chân chạy ra ngoài thoát chết. Căn nhà bị đất đá đè sập, gia súc bị vùi lấp chết hết, nhà bị hư hỏng.
Anh Thơm thất vọng: “Sau sự cố sạt lở bà con rất sợ, không ai dám lên khu tái định cư để ở. Những quả đồi khác phía trên bắt đầu có hiện tượng sạt lở chẳng khác nào những cái “bẫy”, chầu chực đe dọa tính mạng người dân. Hy vọng bà con có nơi ở mới tốt đẹp nào ngờ tránh “vỏ dưa” lại gặp “vỏ dừa”".
"Sau khi tình trạng sạt lở xảy ra gia đình tôi được ban Quản lý dự án hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng 1 căn nhà khác cách nhà cũ gần 100m. Giờ ngày nào cũng sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ. Đặc biệt, mùa mưa đang cận kề, có khi gia đình phải dọn về nơi ở cũ sinh sống”, anh Thơm nói.
Ông A Phiếu cho biết: “Người dân khu tái định cư không chỉ phải đối mặt với nỗi lo sạt lở, mà còn tình trạng sụt lún rất đáng e ngại. Tôi đã 3 lần đổ móng nhưng không dám xây nhà vì tình trạng sụt lún”.
Theo ông Phiếu, có thể trong lúc thi công, các đơn vị thi công chỉ đổ đất chứ không lu nền khiến nền đất rất yếu. Móng nhà đổ được vài bữa thì bị sụt lún, khiến móng nứt toác không liên kết được.
Chị Y Cửi, 23 tuổi, trú thôn Đăk Chung cho biết : “Ở đây sợ lắm, mỗi hôm mưa gió cả nhà dắt díu nhau về nhà cũ ở. Đêm hôm mưa gió ngủ say, sợ sạt lở không biết đường chạy thì rất nguy hiểm, dù sao ở nhà cũ cũng an toàn hơn ở đây”.
Theo tìm hiểu của PV, dự án do đơn vị tư vấn thiết kế là công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Xuân Thiện; Tư vấn giám sát là liên danh 03 nhà thầu gồm: Công ty TNHH MTV tư vấn và xây dựng Trường Xuân, công ty TNHH MTV tư vấn và xây dựng Đông Sơn và công ty TNHH Tân Hào Đại. Nhà thầu thi công là công ty Cổ phần Tân Hưng.
Ngày 20/3, trao đổi với PV về vấn đề này, Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đăk Glei cho biết: “Vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, có một hộ dân khu tái định cư thôn Chung Năng bị ảnh hưởng do hiện tượng sạt lở núi.
Sau sự việc, cơ quan chức năng liên quan đã bồi thường cho hộ dân này 40 triệu đồng để khắc phục. Còn về vấn đề người dân phản ánh, đất nền yếu, khi đổ móng làm nhà bị nứt là không đúng”.
Vị Trưởng ban Quản lý dự án giải thích: “Các hộ dân thuộc diện di dời đến khu tái định cư mới hầu hết là người dân địa phương có cuộc sống khó khăn. Mỗi hộ được cấp một mảnh đất kèm theo hỗ trợ thêm 20 triệu đồng tiền mặt để xây nhà.
Tuy nhiên, vì các hộ thuộc diện khó khăn số tiền đó không đủ để làm nhà, không đủ tiền để mua nguyên vật liệu.
Do đó, họ ra các bờ suối tận dụng lấy đá cuội không đủ tiêu chuẩn để làm móng, không có sắt thép để gia cố thì hiển nhiên xảy ra tình trạng sụt lún, nứt móng nhà. Vấn đề này, ban Quản lý cũng đã có báo cáo gửi UBND huyện và UBND tỉnh”.
Ngày 22/3, liên quan đến dự án bố trí sắp xếp chỗ ở cho dân vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đăk Glei bị sụt lún, sạt lở nhiều bất cập khiến dư luận xôn xao.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum cho biết: "Vừa qua do ảnh hưởng của cơn bão số 9 càn quét khiến nhiều tỉnh thành bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trên địa bàn huyện Đăk Glei cũng vậy, cơn bão số 9 gây thiệt hại nặng nề, khiến nhiều xã trên địa bàn bị ngập lụt, sạt lở. Cuộc sống của người dân địa phương đối mặt với muôn vàn khó khăn sau bão".
"Tại khu tái định cư cho người dân cũng không thể nào tránh khỏi tình cảnh này. Quả thật, có 2 hộ dân tại khu định cư chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng sạt lở gây thiệt hại về nhà cửa.
Sau sự cố, lãnh đạo huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, chung tay giúp người dân gặp thiên tai, khắc phục khó khăn.
Với 2 hộ chịu ảnh hưởng, chính quyền địa phương đã bố trí cho mỗi hộ 1 quỹ đất khác tại khu tái định cư, đồng thời hỗ trợ bằng tiền mặt để họ xây lại nhà mới.
Hiện tại, cơ bản đã ổn định, người dân đa phần chuyển đến sinh sống tại khu tái định cư, còn một vài hộ đang hoàn thiện nhà", bà Y Thanh nói.
Theo bà Y Thanh, quá trình thi công san ủi, cải tạo mặt bằng, đơn vị thi công múc taluy hơi cao.
Vấn đề này, UBND huyện cũng làm việc với các cơ quan chức năng liên quan, tiến hành khắc phục để người dân an tâm.