Ngăn chặn nạn trộm cắp
Ngày 12/11, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, cho biết, đơn vị viễn thông đã hoàn thành lắp đặt 2 trạm phát sóng tại vùng sóng yếu, giúp người dân có thể thuận tiện liên lạc, bảo vệ vườn sâm.
Theo ông Mạnh, 2 vị trí được lắp đặt 2 trạm phát sóng nói trên nằm tại thôn Tu Thó (xã Tê Xăng) và thông Đăk Dơn (xã Măng Ri, cùng thuộc huyện Tu Mơ Rông).
Trước khi chưa lắp trạm, sóng khu vực này rất yếu, việc liên hệ qua điện thoại rất khó, thậm chí gián đoạn, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, liên lạc, giải trí. Người dân khu vực trên đang đẩy mạnh trồng sâm Ngọc Linh, việc không có sóng khiến họ không thể lắp camera để bảo vệ vườn.
Để giúp người dân bảo vệ vườn sâm nói riêng và thuận tiện trong việc sinh hoạt, liên lạc, UBND huyện đã kêu gọi đơn vị viễn thông tiến hành lắp đặt. Việc lắp đặt đã hoàn thành nhiều tháng qua, giúp các khu vực trên đã có sóng. Bà con yên tâm sinh sống, sinh hoạt, lắp camera bảo vệ vườn sâm nhằm ngăn chặn trộm cắp.
Cũng theo ông Mạnh, bên cạnh việc kêu gọi lắp đặt trạm phát sóng, huyện đã triển khai các dự án lắp đặt hệ thống camera an ninh tại các điểm giao thông quan trọng nhằm phục vụ kiểm soát, điều tra; chỉ đạo các xã vận động nhân dân kê khai diện tích, số lượng, vị trí trồng, liên kết trồng để lập hồ sơ pháp lý vùng trồng. Thông qua các biện pháp nói trên, huyện hy vọng sẽ hạn chế được tình trạng trộm cắp sâm Ngọc Linh, giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm làm giàu dưới tán rừng.
Ngồi tại nhà giám sát
Thực tế cho thấy, từ khi 2 trạm phát sóng được lắp, người dân trồng sâm đã nhanh chóng lắp camera để chủ động bảo vệ, giám sát vườn sâm. Anh A Phân (thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) cho biết, gia đình anh trồng hơn 500 cây sâm Ngọc Linh trên núi Ngọc Linh, đoạn thuộc thôn Đăk Dơn. Việc trồng sâm gặp khó khi vị trí trồng là khu rừng sâu, đường đi khó khăn, sóng chập chờn, nhiều điểm không có sóng. Vì thế, gia đình phải thường xuyên túc trực trên vườn để bảo vệ sâm, tốn thời gian. Nhiều lúc gia đình muốn lắp camera để quản lý vườn sâm qua điện thoại, giảm công sức cho gia đình nhưng không được vì không có sóng.
"Vừa qua, nhờ địa phương kêu gọi lắp được trạm phát sóng, đã giúp khu vực trồng sâm có sóng mạnh. Vì thế, tháng qua, gia đình đã nhanh chóng mua 2 camera trị giá 1 triệu đồng để lắp trên vườn. Bây giờ ngồi ở nhà, qua chiếc điện thoại là gia đình có thể giám sát vườn sâm của mình. Cảm ơn địa phương đã giúp người dân quản lý vườn sâm bằng công nghệ", anh A Phân nói.
Ông Nguyễn Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri, cho biết, sâm Ngọc Linh là loại cây được đồng bào Xơ Đăng kỳ vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tại khu vực núi thôn Đăk Dơn, đồng bào Xơ Đăng trồng sâm Ngọc Linh nhiều, nhưng gặp khó vì khu vực núi sâu, sóng không bao phủ hết.
Cũng vì điều này đã khiến công tác quản lý vườn sâm gặp khó, không thể lắp camera để giám sát, thông tin liên hệ qua điện thoại với người thân cũng bị gián đoạn. Trước tình hình đó, UBND huyện đã nhanh chóng vào cuộc kêu gọi lắp trạm phát sóng tại thôn Đăk Dơn, giúp dân bảo vệ vườn. Từ khi hoàn thành lắp đặt, sóng khu vực đã mạnh lên. Rất đông người dân đã chủ động mua camera để lắp đặt trên vườn, trục đường chính.
Nhờ đó, các vườn sâm được quản lý bằng công nghệ, giúp việc bảo vệ được tốt hơn. Ước tính, có 7 hộ có điều kiện kinh tế đã lắp đặt camera để bảo vệ vườn sâm. 7 hộ này lắp camera nhưng nhiều hộ khác cũng được hưởng lợi thông qua việc giám sát, quản lý chung.
"Trong thời gian tới, tại thôn Đăk Dơn này, xã sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động người dân dành nguồn lực chủ động lắp đặt camera tại các trục đường chính dẫn vào vườn sâm mà sóng vừa phủ đến, nhằm quản lý người lạ vào vườn ngay từ gốc và tại vườn. Xã cũng khuyến cáo người dân, qua camera, nếu phát hiện người lạ xâm nhập vào vườn, thực hiện hành vi trộm cắp, cần lưu giữ, báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng để có hướng bắt quả tang, làm cơ sở xử lý", ông Trí nói.